Xu hướng toàn cầu hóa trong ẩm thực cũng là một yếu tố khác thúc đẩy tăng trưởng của ngành gia vị nói chung và gia vị hữu cơ nói riêng. Sản lượng nhập khẩu gia vị vào châu Âu tăng bình quân 9%/năm, với nguồn nhập khẩu chủ yếu từ châu Á (45%).
(Xu hướng tiêu dùng sản phẩm gia vị hữu cơ, tốt cho sức khỏe ngày càng được người tiêu dùng tại các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu quan tâm)
Từ năm 2017-2022, thị trường gia vị hữu cơ toàn cầu đạt tốc độ tăng trưởng kép tương đối cao, khoảng 6,1%. Giai đoạn này chứng kiến mức tăng trưởng cao hơn khi nhu cầu đối với các sản phẩm hữu cơ nói chung tăng lên.
Thị hiếu của người tiêu dùng đang thay đổi do lối sống thay đổi và thu nhập của người dân tăng lên. Nhu cầu về gia vị dự kiến sẽ tăng lên để đáp ứng với việc sản xuất và bán các mặt hàng thực phẩm chế biến như súp, nước sốt, gia vị,… Các loại gia vị được sử dụng để tăng hương vị và màu sắc của các sản phẩm thực phẩm chế biến, các gia vị dạng bột hoặc gói nhỏ sẽ được ưu tiên hơn vì tính thuận lợi cho người dùng. Theo các chuyên gia, thị trường gia vị hữu cơ thế giới dự kiện sẽ đạt 10,9 tỷ USD trong năm 2023, đến năm 2033 sẽ đạt 17 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép là 4,5%.
Với lợi thế địa lý trải dài trên nhiều vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, Việt Nam có sự đa dạng sinh học rất khác biệt để tạo ra những sản phẩm nông sản gồm các loại gia vị và hương liệu rất đặc trưng, khác biệt với những sản phẩm cùng loại trên thế giới. Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại gay gắt, rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu (yêu cầu chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật,…) thì thị trường gia vị hữu cơ sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu.