Các loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất tại thị trường Bắc Âu là cá hồi, cá tuyết và cá trích. Người tiêu dùng Bắc Âu chuộng thủy sản tươi sống và đông lạnh. Nhóm tuổi tiêu thụ thủy sản nhiều nhất là từ 40-54, nhóm tiêu thụ ít thuộc nhóm thanh niên từ 15-24.
Người Bắc Âu chuộng thủy sản đánh bắt tự nhiên và không thích sản phẩm nuôi trồng. Theo thống kê của Eurobarometer năm 2021, 32% người Thụy Điển chuộng sản phẩm đánh bắt tự nhiên, trong khi, chỉ có 4% chuộng sản phẩm nuôi trồng, số còn lại tùy thuộc vào sản phẩm, hoặc không quan tâm. Số liệu tương ứng ở Đan Mạch là 31% và 2%.
Mặc dù hiện nay, người Bắc Âu đang có xu hướng chuyển sang tiêu thụ đạm không từ thịt (trong đó có thủy sản) để bảo vệ môi trường. Nhưng chính vì vấn đề môi trường và các cuộc vận động tiêu dùng lành mạnh và bền vững lại làm cho người tiêu dùng ở khu vực này cân nhắc việc tiêu thụ thủy hải sản do lo lắng về hàm lượng chất độc thải ra môi trường từ các trang trại nuôi trồng thủy sản cũng như sự cạn kiệt của các đại dương trên thế giới do việc đánh bắt quá mức. Các nước Bắc Âu luôn đi tiên phong trong việc thúc đẩy cả sản xuất và tiêu thụ thủy sản một cách bền vững và lành mạnh.
Người tiêu dùng Bắc Âu không chỉ quan tâm đến chất lượng thủy sản, mà còn đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc của sản phẩm và cách đánh bắt hoặc nuôi như thế nào, chẳng hạn như hạn ngạch đánh bắt phải dựa trên cơ sở khoa học, phương pháp đánh bắt nhẹ nhàng, hình thức nuôi thông minh, thân thiện với môi trường và tuân thủ các quy tắc.
Trong ba nước Thụy Điển, Đan Mạch, và Na Uy (gọi chung là Bắc Âu), Na Uy có ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản lớn, là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc), trong khi, Thụy Điển và Đan Mạch chủ yếu nhập khẩu thủy sản phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.