Việc Mỹ chuyển hướng khỏi Trung Quốc để tăng cường chuỗi cung ứng với các đối tác khác sẽ không dễ dàng.
Các công ty đã quen với những căng thẳng giữa Mỹ và Trung và chưa tìm được giải pháp nhanh chóng và dễ dàng để thay thế Trung Quốc. Khi Mỹ nỗ lực chuyển chuỗi cung ứng “tránh xa các đối thủ chiến lược” trong khi làm sâu sắc hơn quan hệ với các đồng minh, Mexico, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Brazil và Malaysia là những quốc gia tiềm năng nhất đối với Mỹ, theo Allianz Trade, dựa trên quan hệ giữa các quốc gia với Mỹ và EU, cũng như khả năng cạnh tranh với Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu và thương mại truyền thống.
Thị phần của Trung Quốc trên thị trường nhập khẩu của Mỹ đã giảm xuống 10% vào năm 2021, từ 15% vào năm 2018, khi mức thuế giữa hai nước tăng lên 25%. Trung Quốc đã từ vị trí là nguồn nhập khẩu lớn thứ hai của Mỹ vào năm 2018 xuống vị trí thứ tư vào năm 2021. Trong giai đoạn gia tăng căng thẳng Mỹ- Trung, các quốc gia châu Á như Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia “được hưởng một phần lợi ích”.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là nhà cung cấp quan trọng cho các lĩnh vực có tính “toàn cầu hóa nhất”, như máy tính và viễn thông; thiết bị điện tử; thiết bị gia dụng; kim loại; ô tô và thiết bị vận tải; hóa chất; và thiết bị máy móc, báo cáo cho biết thêm, với thị phần của Trung Quốc trong tổng sản lượng toàn cầu trong các lĩnh vực đó dao động từ 6% đến 27%.
Theo đánh giá, không có giải pháp nhanh chóng và dễ dàng để rút khỏi Trung Quốc, và nước này sẽ luôn chiếm thị phần lớn trong thương mại toàn cầu.Về nguồn cung, Trung Quốc là nước đóng góp lớn nhất trên thế giới, với sản lượng sản xuất cho chuỗi giá trị toàn cầu lên tới gần 3,4 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Nhập khẩu chuỗi giá trị của thế giới từ Trung Quốc chiếm 0,5% tổng sản lượng toàn cầu và tỷ trọng này cao tới 3,9% đối với Việt Nam, 3% đối với Singapore và 2,3% đối với Đài Loan và Hồng Kông. Nó đứng ở mức 0,6% đối với Đức và 0,3% đối với Mỹ.
Hoạt động của nền kinh tế Mỹ và EU hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc chủ yếu trong các lĩnh vực toàn cầu hóa nói trên. Việc loại bỏ các quốc gia khỏi chuỗi giá trị toàn cầu có nguy cơ tăng cao chi phí cho các nhà sản xuất. Do đó, các công ty sẽ tìm cách giải quyết vấn đề chi phí.
Nhìn vào sự phụ thuộc từ góc độ của Trung Quốc, Mỹ chỉ là nhà cung cấp quan trọng của 22 loại hàng hóa, chủ yếu trong lĩnh vực nông sản, chỉ chiếm 0,2% tổng nhập khẩu của Trung Quốc. EU có vai trò “quan trọng hơn”, là nhà cung cấp lớn của 188 loại hàng hóa cho Trung Quốc, chủ yếu trong lĩnh vực nông sản, dệt may và máy móc thiết bị. Những lĩnh vực này chiếm gần 20% hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ EU, nhưng chỉ 2% tổng nhập khẩu của Trung Quốc.