| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Hoạt động giao thương xúc tiến thương mại mặt hàng gạo tại thị trường Trung Quốc từ ngày 02 – 06 tháng 12 năm 2024

Triển khai Quyết định số 880⁄QĐ-BCT ngày 27 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2024, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu là trưởng đoàn cùng với sự tham gia của Hiệp hội Lương thực Việt Nam và gần 20 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tổ chức Đoàn giao dịch thương mại mặt hàng gạo tại thị trường Trung Quốc từ ngày 02 – 06 tháng 12 năm 2024 nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Trung Quốc ổn định, bền vững.

Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 11 của Trung Quốc. Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc đạt gần 172 tỷ USD, giảm 2,2% so với năm 2022; trong đó Việt Nam xuất khẩu 61,2 tỷ USD, tăng 5,6% và nhập khẩu đạt 110,6 tỷ USD, giảm 6,1%. 10 tháng đầu năm 2024, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước đạt hơn 167,5 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 49,9 tỷ USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2023 và nhập khẩu đạt 117,5 tỷ USD, tăng 31,4%.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn và truyền thống của Việt Nam. Với lợi thế về địa lý và sự tương đồng trong văn hóa, sản phẩm gạo của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã được người dân Trung Quốc đón nhận, tiêu dùng. Việt Nam đã xuất khẩu đa dạng chủng loại gạo sang Trung Quốc, như gạo trắng, gạo thơm, gạo japonica, gạo nếp …với lượng xuất khẩu nhìn chung tăng trưởng tốt qua các năm, ngoại trừ giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc khoảng 917,2 nghìn tấn và 10 tháng năm 2024 đạt 249,97 nghìn tấn giảm 71,7% về lượng so với cùng kỳ năm 2023.

Trong khuôn khổ chương trình làm việc, Đoàn công tác đã làm việc với: i) Sở Thương mại tỉnh Hồ Nam, Ủy ban xúc tiến thương mại quốc tế của thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông), Ủy ban xúc tiến thương mại quốc tế tỉnh Hồ Nam; ii) Tổ chức hoạt động giao thương, kết nối mặt hàng gạo giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc tại thành phố Thâm Quyến và thành phố Trường Sa tỉnh Hồ Nam; iii) Khảo sát thực địa và làm việc với các công ty lớn tại thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) và thành phố Trường Sa (tỉnh Hồ Nam) để tìm kiếm cơ hội thúc đẩy thương mại gạo giữa Việt Nam – Trung Quốc nói chung và Việt Nam – Thâm Quyến/Hồ Nam nói riêng, đồng thời kết nối doanh nghiệp hai nước thúc đẩy xuất khẩu.

Tại các buổi làm việc, hai bên cung cấp các thông tin về cơ chế chính sách về xuất nhập khẩu nông sản nói chung và mặt hàng gạo. Đoàn công tác đã giới thiệu với phía Bạn về tiềm năng, năng lực sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam với đa dạng về chủng loại, sự năng động của doanh nghiệp Việt Nam trong đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đoàn công tác đã thông tin cho phía Bạn về việc việc Bộ Công Thương Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cho 161 thương nhân. Hội thảo giao thương tại thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) và tỉnh Hồ Nam đã thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ gần 40 doanh nghiệp tại các địa phương; đấy là cơ hội giúp doanh nghiệp hai nước tiếp cận và trao đổi thông tin với nhau, thúc đẩy xuất khẩu.

Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương

Nội dung liên quan