Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 5,16 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 4 trong nhóm mặt hàng có kim ngạch cao nhất cả nước.
Hai tháng năm 2024, xuất khẩu hàng dệt may tăng 15%
Về thị trường, tính đến hết tháng 2 năm 2024, Hoa Kỳ giữ vững là thị trường nhập khẩu dệt may Việt Nam lớn nhất, với kim ngạch 2,19 tỷ USD, tăng 11,86% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 2, giảm 10,13%, với kim ngạch 866,21 triệu USD.
Nhật Bản là thị trường lớn thứ hai nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam, với kim ngạch 2 tháng năm 2024 tăng 17,44%, thu về 630,24 triệu USD. Hàn Quốc đứng thứ 3, với kim ngạch 2 tháng đầu năm 2024 là 515,07 triệu USD, tăng 1,98% so với 2 tháng năm 2023.
Về tăng trưởng kim ngạch, so với 2 tháng năm 2024, có 39/56 thị trường có sự tăng trưởng về kim ngạch, đáng kể như Nga (tăng 166,36%, đạt 119,95 triệu USD), Hà Lan (tăng 27,76%, đạt 146,19 triệu USD), Anh (tăng 25,47%, đạt 110,13 triệu USD), Tây Ban Nha (tăng 25,02%, đạt 89,85 triệu USD), Nhật Bản (tăng 17,44%, đạt 630,24 triệu USD), Canada (tăng 22,26%, đạt 169,88 triệu USD),…
Ở chiều ngược lại, Đức (giảm 13,57%, đạt 97,51 triệu USD), Indonexia (giảm 6,27%, đạt 58,73 triệu USD) là hai thị trường có kim ngạch cao bị sụt giảm so với 2 tháng năm 2024.
5 giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm 2024
Năm 2024, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều biến động, khó khăn như đơn hàng sụt giảm, chuỗi cung cứng còn rủi ro, xu hướng chuyển đổi số, nhiều thị trường lớn đưa ra những quy định mới về phát triển bền vững, xanh hóa chuỗi cung ứng,.. Trước tình hình đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đưa ra 5 giải pháp lớn để đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm nay gồm:
Thứ nhất, tiếp tục đa dạng hóa thị trường, khách hàng, mặt hàng
Thứ hai, đầu tư vào những mục tiêu, đòi hỏi của thị trường toàn cầu về vấn đề xanh hóa, giảm phát thải nhà kính, đầu tư sâu vào nồi hơi đốt bằng điện, giảm dần đốt bằng hóa thạch.
Thứ ba, đưa ra giải pháp đầu tư về công nghệ hóa, tự động hóa ở một số dây chuyển sản xuất thích ứng được nhằm giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ, và chất lượng cao.
Thứ tư, quy hoạch các khu công nghệ đạt chuẩn mực về môi trường để thu hút đầu tư vào phần cung thiếu hụt của ngành như vải, đưa một số thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới.
Thứ năm, phải xây dựng nguồn lực phát triển mẫu, thiết kế 3D, công nghệ quản trị số. Doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu và thích ứng nhanh với đòi hỏi toàn cầu của các nhãn hàng, chủ động phát triển mẫu cũng như nguyên liệu đầu vào để được hưởng thuế suất 0%.