Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng phối hợp quảng bá Trung tâm nguyên phụ liệu ngành thời trang đến các đối tác, góp phần tăng hiệu quả hoạt động
Cơ hội tổ chức lại ngành dệt may, da giày
Trong nửa đầu năm 2024, dù vẫn chịu ảnh hưởng lớn của suy giảm kinh tế toàn cầu, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may và da giày vẫn đạt gần 30 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và tạo ra gần 5 triệu việc làm. Dù vậy, sản xuất và xuất khẩu da giày Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại khi công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên liệu chưa phát triển. Các doanh nghiệp chủ yếu tâp trung vào gia công mà không phát triển khâu nguyên phụ liệu.
Giải quyết "bài toán" này, tháng 12/2023, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc xin ý kiến chủ trương xây dựng Trung tâm giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang Việt Nam.
Đánh giá về mô hình này, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển - nhận định, việc phát triển Trung tâm nguyên phụ liệu phục vụ ngành thời trang là rất cần thiết và đây là cơ hội để tổ chức lại ngành dệt may theo hướng chuyên biệt hoá, bền vững, chủ động đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế, ổn định nguồn cung nguyên liệu cũng như giảm thiểu các rủi ro liên quan đến nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm.
Tương tự, bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại thị trường Canada - cũng cho biết, ngành công nghiệp dệt may và da giày của Canada đang hướng đến xuất khẩu nhiều hơn và hội nhập nhiều hơn vào chuỗi cung ứng thế giới. Doanh nghiệp tập trung vào các mắt xích cao trong chuỗi sản xuất như: dịch vụ marketing, thiết kế, thương hiệu... Để thực hiện chiến lược này, Canada không theo đuổi sản xuất thời trang tiêu dùng ngắn hạn (fast fashion).
Thủ phủ dệt may và da giày của Canada đóng chủ yếu ở 3 thành phố Toronto, Montreal và Vancouver. Tuy nhiên, Canada không có mô hình tổng kho nguyên phụ liệu dệt may và da giày. Ở mỗi tỉnh, bang, có một số nhà bán buôn nguyên phụ liệu chính, đã có lịch sử từ nhiều thập niên. Các nhà bán buôn này đều đi theo hướng tham gia vào thương mại điện tử, xây dựng các giao diện bán hàng trực tiếp, điện tử hoá các công đoạn của chuỗi cung ứng.
Cùng đó, các nhà sản xuất tại Canada không tập trung về địa lý và những nhà sản xuất này đều đã có quy mô và thương hiệu toàn cầu nên mô hình tổng kho không cần thiết. Nhưng ở Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu dệt may, da giày có quy mô nhỏ và vừa, do vậy, mô hình trung tâm nguyên phụ liệu là cần thiết, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn phụ liệu đa dạng, giá cạnh tranh, nâng cao năng lực sáng tạo.
Tại Hoa Kỳ, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng ủng hộ việc xây dựng Trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu để thúc đẩy sản xuất nguyên phụ liệu trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm thời trang Việt Nam; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu dệt may, da giày.
Phân tích cụ thể, Thương vụ cho biết, hiện, Hoa Kỳ không có trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu và các hiệp hội trong ngành cũng không có chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giải quyết nguồn nguyên phụ liệu bền vững. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang chủ động đẩy mạnh đa dạng các nguồn cung nguyên phụ liệu đầu vào để thích ứng với môi trường kinh doanh và quy định đang thay đổi.
Khảo sát của Hiệp hội Công nghiệp thời trang Hoa Kỳ vừa công bố vào tháng 7/2024 cho biết, các công ty thời trang Hoa Kỳ đã xây dựng được cơ sở tìm nguồn cung ứng đa dạng hơn về địa lý. Năm 2024, các doanh nghiệp đã tìm nguồn cung ứng sản phẩm may mặc từ 48 quốc gia, tăng so với 44 quốc gia vào năm 2023. Các công ty thời trang quy mô hơn 1.000 nhân viên đã tìm nguồn cung ứng từ 10 quốc gia trở lên, công ty vừa và nhỏ có 100-1.000 nhân viên thường tìm nguồn cung ứng quần áo từ 6 quốc gia trở lên.
“Khi tìm kiếm nguồn cung cho ngành thời trang, các doanh nghiệp Hoa Kỳ cân bằng nhiều yếu tố và thực tế không có cơ sở tìm nguồn cung ứng nào "hoàn hảo" và vượt trội ở mọi tiêu chí...” - Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ thông tin và cho biết thêm, hiện nay, theo các doanh nghiệp Hoa Kỳ, các nhà cung cấp châu Á nói chung là có tính cạnh tranh về chi phí tìm nguồn cung ứng và tính linh hoạt về giao hàng và quy mô đơn hàng, tuy nhiên, rủi ro tuân thủ xã hội tương đối cao.
Thương vụ đồng hành quảng bá
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, các nước Bắc Âu luôn đi tiên phong trong xu hướng tiêu dùng và công nghệ ứng dụng mới. Do vậy, để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận mới công nghệ sản xuất mới này, cần thúc đẩy nhiều hơn nữa các hoạt động hợp tác, tổ chức đoàn nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm. Cùng với đó có các chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ khu vực Bắc Âu, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng xuất khẩu tại chỗ và đào tạo nhân lực trong nước.
Hiện nay, Công ty Syre của Thuỵ Điển hoạt động trong lĩnh vực tái chế rác thải dệt may có ý định đầu tư một nhà máy tại Việt Nam với công suất 250.000 tấn/năm. Tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến khoảng 500 triệu - 1 tỷ USD. Công ty mong muốn phát triển hệ sinh thái mới về quản lý chất thải, sử dụng công nghệ mới nhất vào phân loại hàng dệt may.
“Nếu Việt Nam hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp như Syre đầu tư sẽ giúp cải thiện được vấn đề rác thải dệt may trong nước cũng như mang lại hình ảnh đi đầu của ngành thời trang bền vững của ta trong khu vực cũng như trên thế giới” - bà Thúy thông tin và khuyến nghị để xây dựng Trung tâm cung cấp nguyên phụ liệu ngành thời trang, cần có sự quản lý, giám sát chặc chẽ của cơ quan chức năng trong việc đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm. Cùng đó, doanh nghiệp, hiệp hội chủ động nắm bắt thông tin, kịp thời trao đổi với cơ quan Thương vụ ở nước ngoài về thay đổi chính sách của thị trường sở tại để có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.
Khẳng định sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp, Hiệp hội trong nước trong việc xây dựng Trung tâm cung cấp nguyên phụ liệu, ông Đỗ Ngọc Hưng cho biết, sẽ phối hợp, tiếp tục tìm hiểu thông tin, kinh nghiệm, thực tiễn tại Hoa Kỳ cung cấp cho Hiệp hội và sẵn sàng phối hợp quảng bá Trung tâm sau khi thành lập đến các đối tác liên quan của Hoa Kỳ nhằm góp phần tăng hiệu quả hoạt động của Trung tâm, phục vụ tốt nhất cho sự phát triển của ngành dệt may.
Với thị trường Canada, bà Trần Thu Quỳnh cũng cam kết, từ nhiều năm nay, Thương vụ đã làm việc chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức của Canada nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho ngành dệt may, da giày của Việt Nam với nhiều hoạt động đào tạo, tổ chức đoàn mua hàng vào Việt Nam, hỗ trợ gian hàng tại Canada... Trong thời gian tới, Thương vụ sẽ tiếp tục vận động để xin tài trợ phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành dệt may, da giày Việt Nam, trong đó ưu tiên cơ sở dữ liệu các sản phẩm đầu vào gắn với năng lực cung cấp thoả mãn tiêu chuẩn xuất xứ.