Sáng 20⁄3, UBND TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024 với Chủ đề “Hợp tác - Phát triển - Hiệu quả”. Sự kiện thu hút 250 doanh nghiệp (DN) quan tâm tham dự.
Hải Phòng là điểm sáng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, Hải Phòng luôn xác định vai trò quan trọng của DN đối với sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, Hải Phòng vẫn là một trong những điểm sáng của cả nước về thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, cụ thể: Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ, đứng thứ 4 cả nước về kim ngạch xuất khẩu. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 30 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ, đứng thứ 4 cả nước về kim ngạch nhập khẩu. Sản lượng hàng hóa qua cảng: đạt trên 170 triệu tấn, tăng 1,19%.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng trao tặng Bằng khen cho 48 doanh nghiệp có vốn FDI có thành tích xuất sắc trong xuất khẩu, đóng góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước
Trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng đạt 5,1 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 4,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 22,2 triệu tấn, tăng 6,62% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, thành phố Hải Phòng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các nhà đầu tư, luôn nỗ lực thực hiện giúp người dân tiết giảm thời gian đi lại và chi phí phát sinh. Do đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính được xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố và chỉ số về chuyển đổi số được xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2022. Ngoài ra, 2 năm liên tiếp, Hải Phòng được vinh danh, trao giải tại Chương trình TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam – I4.0 Awards.
Tính đến thời điểm hiện nay, Hải Phòng đã có 950 dự án đầu tư FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đạt 30,04 tỷ USD. Khối doanh nghiệp có vốn FDI cùng cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã phát huy vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.
Đây là thành quả tất yếu đến từ những định hướng, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội mang tính đột phá, có tầm chiến lược dài hạn mà lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố và cả hệ thống chính trị trên địa bàn đã nỗ lực triển khai trong những năm qua nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển là: dịch vụ cảng biển-logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới... theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI.
Ghi nhận 78 kiến nghị thuộc 8 nhóm lĩnh vực của cộng đồng doanh nghiệp
Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024 đã góp phần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, cơ sở hạ tầng và các yếu tố khác có ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đưa ra các giải pháp tạo thuận lợi, hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển chung của cộng đồng DN, thành phố; đồng thời đề xuất với lãnh đạo thành phố Hải Phòng các giải pháp nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của địa phương trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển, logistic và tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, thực hiện chuyển đổi số…
Ông Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hải Phòng cho biết, Hội nghị đã ghi nhận 78 kiến nghị thuộc 8 nhóm lĩnh vực của cộng đồng doanh nghiệp, cụ thể: (1) Vướng mắc đối với chính sách quản lý chuyên ngành; quy định pháp luật trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; (2) Đề xuất thành phố xem xét miễn, giảm phí cơ sở hạ tầng, dịch vụ cảng biển của thành phố và phối hợp giữa các cơ quan nhằm nâng cao hiệu quả thu phí; (3) Kiến nghị phản ánh về tình trạng các cước vận tải biển tăng cao, các loại phí, phụ phí liên quan hàng hóa xuất nhập khẩu do các hãng tàu nước ngoài, các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng quy định cao bất hợp lý (như phí CIC, phí nâng hạ, cược vỏ container, vệ sinh container,...), thực trạng ùn tắc tại các bãi cấp/trả vỏ container rỗng; (4) Công tác Chuyển đổi số của thành phố nói chung và các Sở/Ban/Ngành nói riêng; (5) Trình tự thủ tục, quy định cấp C/O; (6) Đề xuất liên quan việc nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối với hệ thống cảng biển nhằm phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố; (7) Thời gian thực hiện quy trình, thủ tục của một số cơ quan quản lý chuyên ngành trên địa bàn thành phố; (8) Về xây dựng nhà ở xã hội, nhà trẻ tại các khu công nghiệp.
Bế mạc Hội nghị, thay mặt lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Hoàng Minh Cường cam kết, Thành phố sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp có được những điều kiện tốt nhất, môi trường kinh doanh tối ưu nhất để hoạt động, cùng chung tay xây dựng một Hải Phòng là một điểm sáng trong phát triển kinh tế của cả nước. Với vai trò là lực lượng tiên phong trong phát triển kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp của Hải Phòng sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đóng góp và tạo nhiều dấu ấn hơn nữa trong quá trình đổi mới và phát triển, góp phần cùng Thành phố đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết số 09-NQ/ĐH ngày 15/10/2020 của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.
Nhân dịp này, UBND TP. Hải Phòng cũng đã ghi nhận về những đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của các doanh nghiệp có vốn FDI hiệu quả. Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Tùng đã trao tặng Bằng khen cho 48 doanh nghiệp có vốn FDI có thành tích xuất sắc trong xuất khẩu, đóng góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước.