Vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Campuchia đã tới thăm và làm việc với Ban Lãnh đạo của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) để trao đổi, chia sẻ và lắng nghe về tình hình hoạt động, những thuận lợi và các đề xuất của Ngân hàng đối với cơ quan quản lý Nhà nước.
Tiếp chúng tôi, anh Lâm Văn Hải, Tổng Giám đốc cho biết năm 2009, thực hiện chủ trương của Chính phủ hai nước Việt Nam - Campuchia về việc thiết lập một định chế tài chính có nhiệm vụ kết nối hai nền kinh tế nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư - thương mại - du lịch song phương lên một tầm cao mới, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã xúc tiến thành lập Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) trên cơ sở mua lại và tái cơ cấu toàn diện Ngân hàng Đầu tư Thịnh vượng Campuchia (PIB). Ngày 01/9/2009, BIDC chính thức đi vào hoạt động và ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng tại thị trường Campuchia
Sau gần 16 năm hoạt động, đến nay, BIDC trở thành một trong những định chế tài chính có uy tín, thương hiệu tại Campuchia với vốn điều lệ 100 triệu đô la Mỹ; vốn chủ sở hữu đạt gần 120 triệu đô la Mỹ; hàng năm kết quả kinh doanh đạt hiệu quả tốt.
Đồng thời, BIDC tiếp tục tập trung đẩy mạnh, phát triển và tái cấu trúc cơ sở khách hàng: Năm 2024, số lượng khách hàng tại BIDC tăng trên 10% so với năm 2023, tiếp tục phát triển và hợp tác với nhiều đối tác quan trọng mới như Savimex, Thaco, Viettel Post , Melatec,… Tỷ lệ cho vay bán lẻ tăng lên đáng kể.
BIDC tiếp tục tập trung góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ Việt Nam-Campuchia, là một trong những ngân hàng hàng đầu thúc đẩy hoạt động thanh toán và giao dịch thương mại giữa Campuchia và Việt Nam thông qua các kênh thanh toán kết nối trực tuyến với trên 50 ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Năm 2024, tổng khối lượng thanh toán giữa hai nước thông qua hệ thống BIDC đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023.
Với trọng tâm tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm ngân hàng số, ngân hàng công nghệ hiện đại cùng sự hỗ trợ của BIDV, BIDC đã và đang đẩy mạnh hoàn thiện một số sản phẩm số, chuyển đổi số nội bộ như: Hoàn thành triển khai giải pháp Smart POS hỗ trợ thanh toán bằng quét mã Bakong QR; Triển khai mở rộng kênh chuyển tiền về Việt Nam bằng quét mã Viet QR; Triển khai tính năng thanh toán QR Code kết nối với 45 kết nối trực tuyến với 45 ngân hàng thương mại tại Campuchia, phát triển hơn 4000 merchant QRcode/năm, hỗ trợ thúc đẩy kết nối thanh toán giữa hai bên, được Lãnh đạo Ngân hàng Trung ương hai nước ghi nhận và đánh giá cao.
Triển khai kết nối chuyển tiền nhanh 24/7 Hàn Quốc - Campuchia với ngân hàng KEB Hana; Nâng cấp công nghệ, giao diện UI/UX hệ thống Mobile Banking mới; Hệ thống quản lý theo dõi phê duyệt tín dụng (RLOS); Nâng cấp hạ tầng mạng, bảo mật, hệ thống email của BIDC; Đẩy nhanh tiến độ triển khai tiến độ triển khai dự án nâng cấp, chuyển đổi hệ thống Core Thẻ; Triển khai thay đổi nhận diện thương hiệu để nâng tầm vị thế, sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới... Trong đó, năm 2024 giao dịch trên kênh số đã có mức tăng trưởng trên 20% so với năm 2023.
Hiện tại, BIDC sở hữu 10 chi nhánh hoạt động tại các địa bàn trọng điểm của Campuchia với trên 450 cán bộ nhân viên. BIDC đã thu xếp nguồn vốn và cung ứng dịch vụ ngân hàng cho nhiều dự án lớn của Campuchia, cũng như một số dự án trọng điểm của Việt Nam đầu tư tại Campuchia và phục vụ đa dạng khách hàng dân sinh; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế nước bạn, tích cực đóng góp cho hoạt động an sinh xã hội tại sở tại và hoạt động giao thương Việt Nam-Campuchia.
Cùng với hoạt động kinh doanh, trong gần 16 năm qua, BIDC luôn dành tâm sức đóng góp cho hoạt động an sinh xã hội tại Campuchia, với tổng ngân sách BIDV/BIDC đóng góp cho hoạt động này đạt khoảng 10 triệu USD, góp phần chia sẻ cùng người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Những nỗ lực không ngơi nghỉ, những kết quả nổi bật và những đóng góp tích cực của BIDC đã được Quốc vương Campuchia; Nhà nước, Chính phủ và ngành ngân hàng hai nước đánh giá cao.
Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập (9/2024), hệ thống BIDC tiếp nối niềm tự hào khi được Quốc vương Campuchia trao tặng Huân chương Monisaraphon hạng Mohasena - Huân chương cao quý nhất của Vương quốc Campuchia. Có thể khẳng định rằng, đây là một dấu mốc quan trọng trên hành trình phát triển của hệ thống BIDC.
Định hướng trong thời gian tới của BIDC là tiếp tục khẳng định gắn bó lâu dài và sẽ đẩy mạnh tăng cường phát triển quy mô, cung cấp đa dạng các sản phẩm dịch vụ, nhất là sản phẩm bán lẻ gắn liền định hướng chuyển đổi số, áp dụng công nghệ hiện đại trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, qua đó phục vụ tốt hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn cho các khách hàng tại đất nước Campuchia anh em.
Tạm biệt ra về, chúng tôi càng hiểu sâu sắc thêm vai trò của ngân hàng đối với hoạt động của các doanh nghiệp và nhà đầu tư tại đây. Các ngân hàng Việt Nam nói chung, BIDC nói riêng thực sự đã, đang và sẽ góp phần quan trọng vào hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương. Thật đúng với câu nói của ai đó: “Ở đâu có doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, ở đó ắt phải có các ngân hàng đồng hành”.
|