| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

EU cảnh báo về sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ

Tại báo cáo ngày 6/6/2012, EU đã chỉ ra sự gia tăng đáng kể của chủ nghĩa bảo hộ trên toàn thế giới với 123 biện pháp hạn chế thương mại mới được đưa ra trong vòng 8 tháng qua – tăng hơn 25%, nâng tổng số các biện pháp hạn chế hiện nay lên 534 biện pháp. Trong báo cáo thứ 9 về nguy cơ phát sinh các biện pháp hạn chế thương mại, Ủy ban châu Âu đã chỉ ra thất bại của các nước G20 trong việc giảm thiểu các hàng rào thương mại. Các nước G20 cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để ngăn chặn việc thông qua các hàng rào thương mại mới và điều chỉnh các biện pháp bảo hộ đã được thông qua kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế bùng nổ.

 

Những kết luận chính của Báo cáo:

- Từ tháng 11 năm 2011 đến ngày 01 tháng 05 năm 2012, trung bình mỗi tháng có hơn 15 biện pháp hạn chế thương mại mới được đưa ra, trong khi năm trước đó trung bình mỗi tháng có dưới 12 biện pháp hạn chế thương mại mới được thông qua: thời gian thông qua các biện pháp hạn chế thương mại ngày càng mau hơn. Trong 8 tháng vừa qua, có tới 123 biện pháp hạn chế thương mại mới được thông qua.

- Việc xóa bỏ các biện pháp hạn chế thương mại đang tồn tại của các nước G20 rõ ràng là chưa đủ. Từ tháng 12 năm 2011 và ngày 01 tháng 05 năm 2012, việc xóa bỏ các biện pháp hạn chế thương mại đang giảm dần: chỉ có 13 biện pháp được gỡ bỏ, trong khi từ tháng 10 năm 2010 đến tháng 9 năm 2011 có 40 biện pháp được xóa bỏ. Từ tháng 10 năm 2008, chỉ có khoảng 17% (tức 89 biện pháp) được xóa bỏ hoặc vô hiệu.

- Xét trên phạm vi toàn cầu, tình hình thương mại đang có dấu hiệu phục hồi khả quan dù có lúc suy giảm ngắn ở thời điểm giữa năm 2011. Mặc dù tỷ trọng phát triển kinh tế và vị thế của các nước mới nổi ngày càng tăng trong nền kinh tế thế giới, song các nước này tiếp tục là các nước dẫn đầu về số lượng các biện pháp hạn chế thương mại, họ xem việc thông qua các biện pháp thương mại như là một phần trong kế hoạch công nghiệp hóa đất nước.

- Hạn chế thương mại có ảnh hưởng lớn đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, như việc Argentina quyết định sung công 51% cổ phần YPF của công ty Repsol Tây Ban Nha, điều này cũng làm ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư EU khi đầu tư ra nước ngoài.

- Nga được xem là một trong những nước sử dụng thường xuyên nhất các biện pháp hạn chế thương mại, những biện pháp hạn chế này không phù hợp với cam kết của một nước sắp trở thành thành viên của WTO.

- EU kêu gọi các nước G20 thực hiện cam kết một cách hiệu quả hơn thông qua việc tăng cường sự minh bạch và chú trọng việc thông báo đầy đủ và kịp thời tất cả các biện pháp hạn chế thương mại, nhằm quản lý chặt chẽ hơn nữa chủ nghĩa bảo hộ. EU đưa vấn đề này ra giải quyết tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Mêhico ngày 18 và 19 tháng 6 năm 2012.

Nguồn: http://trade.ec.europa.eu/doclib/press/index.cfm?id=804

 

 

Vụ Thị trường châu Âu

Nội dung liên quan