Năm 2023, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thị trường châu Âu, châu Mỹ chứng kiến sự sụt giảm đáng kể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa dự kiến đạt khoảng 208 tỷ USD, giảm khoảng 9,5% so với năm 2022.
Kim ngạch xuất khẩu với một số thị trường trọng điểm giảm mạnh: Hoa Kỳ dự kiến đạt 96,9 tỷ USD giảm 12,4%; EU đạt 43,7 tỷ USD giảm 6,7% so với năm 2022.
Xuất khẩu sang một số thị trường trọng điểm giảm mạnh
Xuất khẩu hàng hóa nói chung sang thị trường châu Âu-châu Mỹ dự kiến đạt khoảng 166 tỷ USD, giảm 9,6%; nhập khẩu dự kiến đạt gần 41 tỷ USD, giảm 9,1%. Theo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường châu Âu, châu Mỹ dự kiến đạt 125 tỷ USD, trong đó thặng dư với các nước châu Âu đạt khoảng 33 tỷ USD, với châu Mỹ đạt khoảng 92 tỷ USD.
Đánh giá nguyên nhân sự sụt giảm xuất nhập khẩu với khu vực châu Âu - châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ cho rằng, với độ mở nền kinh tế lớn, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam chịu tác động trực tiếp từ sự sụt giảm của kinh tế toàn cầu nửa đầu năm 2023; nửa cuối năm 2023 dù có sự phục hồi nhưng tốc độ còn chậm và không đồng đều giữa các nền kinh tế.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số thống kê từ phía các thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, 10 tháng năm 2023, EU giảm nhập khẩu từ thị trường ngoài khối gần 16%; Hoa Kỳ nhập khẩu từ thế giới giảm 6%.
Theo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ lạm phát tuy đã kiềm chế nhưng vẫn ở mức cao cộng thêm sức ép từ bất ổn địa chính trị, thay đổi sâu sắc hành vi và thói quen tiêu dùng tại các nước châu Âu-châu Mỹ dẫn đến việc duy trì thị trường xuất khẩu khó khăn hơn.
“Lần đầu sau nhiều năm liên tục tăng trưởng cao, kim ngạch xuất khẩu với một số thị trường trọng điểm giảm mạnh như: Hoa Kỳ dự kiến đạt 96,9 tỷ USD giảm 12,4% so với năm 2022; EU đạt 43,7 tỷ USD giảm 6,7%; các nước CPTPP ở châu Mỹ đạt 13,1 tỷ USD giảm 10,6%. Duy chỉ có thị trường Anh, các nước khối EAEU, các nước Mercosur và một số thị trường nhỏ dự kiến chứng kiến sẽ có mức tăng trưởng xuất khẩu lần lượt là 3,1%, 12,7% và 10%”, báo cáo của Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ chỉ rõ.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này như: máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; điện thoại, máy tính và linh kiện; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may; da giầy và túi xách; gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản… đều chứng kiến mức sụt giảm trung bình trên 10% so với năm 2022.
Tuy vậy, xuất khẩu một số mặt hàng có sự tăng trưởng tốt phải kể đến như: máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 27% (gần 1,2 tỷ USD); sắt thép các loại tăng 23,5% (3,1 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 12,6%; và một số mặt hàng nông sản như: gạo tăng 53,3% (65,5 triệu USD), hạt điều tăng 10,2%, hàng rau quả tăng 10,2% (609,5 triệu USD).
Chiến lược mở rộng thị trường mới hiệu quả
Theo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, trong bối cảnh khó khăn xuất khẩu ở nhiều thị trường truyền thống, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu và đa dạng hóa kênh xuất khẩu hàng Việt Nam được mở rộng.
Nhờ vậy, khi các thị trường truyền thống gặp khó khăn thì tốc độ tăng trưởng ở những thị trường mới, thị trường ngách rất cao. Chẳng hạn, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng 2023 tăng 12,1% ở các nước khối EFTA, 12,7% ở các nước khối EAEU, 48,5% ở các nước khối Trung Á, khối Mercosur có Argentina tăng 17,9%, Brazil 9,1%, Paraguay 20,8%.
Bên cạnh đó, các hoạt động triển khai Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”, với định hướng hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương thâm nhập trực tiếp vào các hệ thống phân phối bán buôn bán lẻ cho cả người bản địa và người gốc Á ở các nước Âu Mỹ được đẩy mạnh. Bước đầu thu được thành công rất thiết thực như các tuần hàng Việt Nam tại các hệ thông phân phối lớn trên thế giới (Carrefour, Aeon, Central Retail...) đã trở thành thường niên.
Một số mặt hàng nông sản của Việt Nam như gạo, gia vị, thực phẩm ăn liền... đã lên kệ tại nước ngoài với thương hiệu riêng. Đặc biệt sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế Việt Nam International Sourcing 2023 đã thu hút sự chú ý và tham gia của hàng trăm nhà nhập khẩu, hệ thống thu mua quốc tế tới Việt Nam tìm nhà cung ứng.
Theo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu có tín hiệu thuận lợi khi các hiệp định FTA đang có với các đối tác thị trường châu Âu - châu Mỹ tiếp tục tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư. Nhu cầu thị trường thế giới và khu vực châu Âu, châu Mỹ từng bước phục hồi.
Bên cạnh đó, việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đã dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư đã giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời xu hướng phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới.
Tuy nhiên, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ nhận định, xu hướng “phi toàn cầu hoá” đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ, chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng; việc các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu. Ngoài ra, việc các nước đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh ở các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.