Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và nằm trong top 3 thị trường lớn nhất của Việt Nam tại thị trường châu Mỹ. Mặc dù vậy, chi phí logistics tăng cao, cạnh tranh khốc liệt… đang là những lo lắng của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng Cục hải quan Việt Nam, trong năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Brazil đạt 7,11 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2022. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Brazil đạt hơn 2,44 tỷ USD, tăng 9% và nhập khẩu từ Brazil đạt 4,67 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2022.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Brazil đạt 2,32 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Brazil đạt hơn 855 triệu USD, tăng 14%, Việt Nam nhập khẩu từ Brazil đạt 1,4 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Brazil trong 4 tháng đầu năm 2023 tăng ở một số mặt hàng, như hàng dệt may (14%), máy móc và thiết bị (25%), túi sách, vali (27%), phương tiện vận tải và phụ tùng (79%), sắt thép các loại tăng đột biến (345%), kim loại thường khác và sản phẩm (107%), xơ, sợi dệt các loại (12%). Một số sản phẩm có chiều hướng giảm như hàng thủy sản (-33%), cao su (-41%), nguyên phụ liệu dệt may, da giày (-48%), điện thoại và linh kiện (-13%).
Thương vụ Việt Nam tại Brazil cho biết hiện nay, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam vào thị trường Brazil tương đối tốt nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và phục vụ sản xuất và tái xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên, doanh nghiệp hai nước hiện chủ yếu mới triển khai các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và thị trường trong nước cho cả hai bên. Hai bên chưa có các nhà đầu tư của nhau. Xu hướng hợp tác đầu tư tại hai nước là cần thiết nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường mỗi bên.
Đánh giá của Thương vụ, Brazil là thị trường rất lớn và rất tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam. Đây là thị trường không quá khắc khe, thị hiếu người dân rất đa dạng. Nhiều mặt hàng của Việt Nam được tiếp nhận tại thị trường rất đông này.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn bởi khoảng cách địa lý xa xôi nên không dễ dàng vận chuyển hàng hoá từ Việt Nam sang nước này. Các phương tiện vận chuyển lại chưa thuận lợi để kết nối người dân hai nước, cũng như logistics chưa đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hai bên.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh khốc liệt về chất lượng và giá cả từ các đối thủ xuất khẩu có nhiều lợi thế hơn như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore.
Trong khi đó, các doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội của Việt Nam còn chủ quan, chưa thật sự chủ động và quyết liệt trong mở rộng thị trường, bảo vệ thị trường truyền thống.
Theo Thương vụ, doanh nghiệp có nhiều lo lắng do chi phí vận chuyển và logistics tăng, cùng với giá nguyên vật liệu tăng từ lúc đại dịch đến nay, điều đó đã tác động không tốt đến hoạt động xuất khẩu. Do vậy Chính phủ, bộ ngành và doanh nghiệp cần có giải pháp vượt qua những vấn đề nan giải này.
Ngoài ra, thị trường vẫn còn nhiều bất ổn do đại dịch Covid-19 gây ra, đến nay chưa giải quyết được. Đặc biệt tình hình chiến sự Ucraine và Nga, xung đột khu vực Trung Đông và biển Đỏ đã tác động tiêu cực cho xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa, từ đó ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, ảnh hưởng dây chuyền đến các hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước, trong đó có Brazil.
Để ổn định và bền vững trong xuất khẩu sang thị trường Brazil, Thương vụ Việt Nam tại Brazil khuyến nghị, các doanh nghiệp, hiệp hội cần đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và cạnh tranh về giá.
Bên cạnh đó, để khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường Brazil - quốc gia nhập khẩu lớn nhất khu vực Mỹ Latinh, Việt Nam cũng cần tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh như cải thiện chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm, đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp, đổi mới công nghệ... Đây là những yếu tố then chốt giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường Brazil.