Trong bức tranh xuất khẩu ảm đạm của nước ta trong nửa đầu năm 2023, xuất khẩu nông sản thực sự là một điểm sáng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,14% (trồng trọt tăng 2,11%, chăn nuôi tăng 4,88). Tốc độ tăng GDP nông nghiệp 6 tháng đầu năm khá cao tăng 3,14.
Trong các mặt hàng nông sản, 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ; gạo và rau quả là hai mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất với giá trị tăng lần lượt 34% và 64%. Đặc biệt, Sầu riêng đã đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu rau quả trong nửa đầu năm nay, được dự báo đạt kim ngạch 1 tỉ USD trong năm 2023.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 21,4%, tăng 7,7%; xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 20,2%, giảm 32,9% và xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3%.
Để tiếp tục phát triển thế mạnh về xuất khẩu nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc, thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản; chủ động dự báo, tranh thủ cơ hội từ hiệp định thương mại để thúc đẩy xuất khẩu. Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng: Rau quả của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng xuất khẩu, minh chứng là chưa bao giờ xuất khẩu rau quả đạt cao như 6 tháng đầu năm nay. Nếu tiếp tục đà tăng trưởng này, thì chắc chắn cả năm 2023 sẽ đạt hơn 5 tỷ USD.
Ngoài ra, một số giải pháp cũng được Bộ Công Thương nhấn mạnh, như tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, tập trung vào xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín, trong đó có hoạt động công bố các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam; tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại, trong đó việc chính thức ký kết Hiệp định FTA với Israel ngày 26/07/2023 mở ra cơ hội rất lớn. Bên cạnh đó cũng cần đẩy nhanh đàm phán ký kết hiệp định thương mại với các thị trường còn là tiềm năng (UAE, Mercosur…). Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu và tăng cường tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, tự chứng nhận xuất xứ cho các Sở Công Thương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu.