Khu vực Bắc Âu gồm Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, và Iceland. Na Uy và Iceland không phải là thành viên của Liên minh châu Âu nhưng tham gia Khu vực kinh tế châu Âu (EEA).
Điều này có nghĩa là các luật và quy định về thực phẩm của Na Uy và Iceland ở mức độ lớn phản ánh các quy tắc của Liên minh châu Âu. Do đó, luật và các quy định của EU có thể được lấy làm cơ sở cho các quốc gia ở khu vực Bắc Âu.
1. Yêu cầu pháp lý
Cà phê nhập khẩu vào khu vực Bắc Âu bắt buộc phải tuân theo các yêu cầu và qui định của Liên minh châu Âu áp dụng cho cà phê. Các yêu cầu này chủ yếu liên quan đến an toàn thực phẩm, trong đó truy xuất nguồn gốc và vệ sinh là quan trọng nhất. Cần chú ý đặc biệt đến các nguồn gây ô nhiễm cụ thể, trong đó phổ biến nhất là thuốc trừ sâu (dư lượng tối đa MRLs đối với mỗi loại thuốc trừ sâu), độc tố nấm (nấm), Salmonella (nguy cơ thấp đối với cà phê).
Các yêu cầu đối với cà phê tham khảo chi tiết tại đây.
2. Yêu cầu chất lượng
Cà phê nhân được phân loại chất lượng trước khi xuất khẩu. Tuy nhiên, vốn không tồn tại một hệ thống phân loại, đánh giá chung trên toàn thế giới cho cà phê. Các quốc gia sản xuất khác nhau có hệ thống đánh giá riêng. Tuy vậy, quá trình phân loại cà phê thường được dựa trên một số tiêu chí sau: vùng, khu vực, độ cao canh tác, giống loài thực vật, phương pháp chế biến (chế biến ướt hay khô, rửa hay để tự nhiên), kích cỡ hạt (đôi khi là hình dạng và màu sắc hạt), số lượng hạt lỗi, chất lượng hương vị như mùi vị, đặc tính, độ sạch.
Cà phê đặc sản được phân loại theo hồ sơ nếm thử và đánh giá chất lượng theo các tiêu chí bao gồm: hương thơm, vị, hậu vị, tính chua, độ mạnh, cân bằng, tính đồng nhất, độ sạch, đậm đà, lỗi, và tổng quát.
Nếu muốn xuất khẩu cà phê đặc sản, nên thêm chứng nhận điểm thử vào tài liệu giới thiệu, mặc dù điều này không phải bắt buộc.
Lưu ý rằng không có định nghĩa chính xác về cà phê đặc sản trong ngành cà phê. Viện Chất lượng Cà phê và các quy trình thử của Hiệp hội Cà phê Đặc sản cho rằng cà phê được phân loại và thử nếm với điểm số dưới 80 được coi là chất lượng tiêu chuẩn và không phải là đặc sản. Tuy nhiên, điểm số tối thiểu chính xác để xác định cà phê đặc sản khác nhau ở mỗi quốc gia và mỗi người mua. Một số người mua cho rằng 80 là quá thấp và yêu cầu điểm thử là 85 hoặc cao hơn.
3. Yêu cầu ghi nhãn
Nhãn cà phê xuất khẩu phải tuân thủ các yêu cầu ghi nhãn thực phẩm chung của Liên minh châu Âu. Nhãn phải được viết bằng tiếng Anh và phải bao gồm các thông tin sau để đảm bảo truy xuất nguồn gốc của từng lô hàng: tên sản phẩm, mã nhận dạng của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), nước xuất xứ, phân loại, trọng lượng tịnh tính bằng kg, đối với cà phê được chứng nhận: tên và mã của cơ quan kiểm tra và số chứng nhận.
4. Yêu cầu đóng gói
Theo truyền thống, hạt cà phê được vận chuyển trong các túi dệt làm từ sợi tự nhiên hoặc đay. Túi đay phải dai và chắc.
Các vật liệu khác, chẳng hạn như Grainpro hoặc vật liệu cải tiến khác như tấm lót Videplast, thường được sử dụng để đóng gói cà phê đặc sản bên trong túi đay.
Hầu hết các hạt cà phê chất lượng tiêu chuẩn được nhập khẩu vào khu vực Bắc Âu được đóng trong các bao đay 60-70kg/bao, sau đó vào trong container lót 20 tấn (một loại bao bì lớn chuyên dùng đóng chất lỏng trước khi cho vào container thông thường), với khối lượng tịnh là 17-19 tấn cà phê.
5. Các yêu cầu bổ sung
Yêu cầu bổ sung về an toàn thực phẩm
Người mua Bắc Âu thường quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm. Về qui trình sản xuất và xử lý, cần quan tâm đến bộ qui tắc Thực hành nông nghiệp tốt (GlobalGAP), bộ tiêu chuẩn tự nguyện để chứng nhận các qui trình sản xuất và cung cấp các sản phẩm nông nghiệp an toàn và có thể truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, việc thực hiện Hệ thống Quản lý Chất lượng (QMS) cũng cần được quan tâm. Hệ thống này dựa trên Phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn. HACCP thường là tiêu chuẩn tối thiểu trong bảo quản và xử lý cà phê nhân.
Yêu cầu bổ sung về bền vững
Trách nhiệm doanh nghiệp và sự phát triển bền vững ngày càng được quan tâm. Việc áp dụng các quy tắc ứng xử hoặc chính sách phát triển bền vững liên quan đến các tác động môi trường và xã hội sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Các công ty hàng đầu trong thị trường cà phê ở Bắc Âu như Jacobs Douwe Egberts và Merrild, đều có chính sách bền vững.
Các tiêu chuẩn chứng nhận như Rainforest Alliance-UTZ cũng trở nên quan trọng trong thị trường cà phê chính thống. Các tiêu chuẩn chứng nhận này thường là một phần của chiến lược phát triển bền vững của các nhà kinh doanh, rang xay và bán lẻ. Các nhà nhập khẩu và rang xay khu vực Bắc Âu như NAF Trading (Đan Mạch) và Joh. Johannson Kaffe (Na Uy), xử lý nhiều loại cà phê có nguồn gốc khác nhau và sử dụng các chứng nhận khác nhau.
Khu vực Bắc Âu là một thị trường quan trọng của cà phê hữu cơ, dự kiến tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Muốn tiếp thị cà phê hữu cơ tại khu vực Bắc Âu, cần tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu về sản xuất hữu cơ và dán nhãn. Được cấp biểu tượng sản phẩm hữu cơ của EU là yêu cầu luật pháp tối thiểu để tiếp thị cà phê hữu cơ ở Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch.
Ở Thụy Điển, KRAV, một hiệp hội hữu cơ tư nhân với tiêu chuẩn và nhãn hiệu riêng của mình chứng nhận khoảng 80% sản phẩm hữu cơ trong nước. Các tiêu chuẩn KRAV được điều chỉnh cho phù hợp với tiêu chuẩn IFOAM, nhưng trong một số trường hợp, các tiêu chuẩn này còn nghiêm ngặt hơn tiêu chuẩn của EU.
Đan Mạch có nhãn hữu cơ thuộc sở hữu nhà nước, nhãn Ø đỏ. Cà phê được chứng nhận theo luật hữu cơ của EU và được chế biến thêm, đóng gói hoặc dán nhãn tại một công ty Đan Mạch do cơ quan công quyền kiểm tra, có thể được dán nhãn Ø đỏ, ngoài nhãn hữu cơ của EU.
Biểu tượng hữu cơ quốc gia chính thức của Na Uy là nhãn Ø do Debio, hiệp hội nông nghiệp hữu cơ quốc gia của Na Uy cấp. Nhãn Ø của Debio có thể được áp dụng cho các sản phẩm nhập khẩu được chứng nhận bởi cơ quan được công nhận tại nước xuất xứ, phù hợp với các quy tắc và quy định của Na Uy.
Thị trường cà phê được chứng nhận thương mại công bằng cũng đang phát triển ở khu vực này. Tiêu chuẩn thương mại công bằng phổ biến nhất là Fairtrade. Trước khi tiếp thị cà phê thương mại công bằng hoặc hữu cơ, cơ sở chứng nhận được công nhận phải kiểm tra các cơ sở trồng trọt và chế biến. Các cơ sở chứng nhận được công nhận bao gồm Control Union, Ecocert, Flocert, ProCert và SGS.