| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Cơ hội giao thương

Nhiều cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam-Tunisia

Ngày 30/6/2021, Cục Xúc tiến thương mại (Vietrade) và Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Tunisia đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp thủ đô Tunis và Trung tâm Xúc tiến Xuất khẩu Tunisia tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến khai thác tiềm năng hợp tác thương mại Việt Nam – Tunisia 2021.

Hội nghị đã thu hút sự tham gia của hơn 90 doanh nghiệp 2 nước Việt Nam, Tunisia cùng các doanh nghiệp đến từ Algeria và Senegal quan tâm hợp tác kinh doanh với Việt Nam.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại Việt Nam – Tunisia năm 2019 mới đạt 36,2 triệu USD, trong đó nước ta xuất 21,4 triệu USD chủ yếu là cà phê, hạt tiêu, hạt điều, hải sản, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, dao cạo râu, vải sợi... Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Tunisia đạt 14,78 triệu USD gồm hải sản, hóa chất, máy móc thiết bị, chất dẻo, hàng dệt may, thức ăn gia súc và nguyên liệu...

 Mặc dù kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Tunisia có tăng trong thời gian qua, song các đại biểu tham dự cho rằng thương mại giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn.

Ông Ghazi Yacoub, Giám đốc Tiếp cận thị trường, Trung tâm Xúc tiến Xuất khẩu Tunisia (CEPEX) đánh giá cao tiềm năng hợp tác thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Tunisia. Theo ông, thương mại của Tunisia với thế giới tăng hàng năm, trong đó kim ngạch nhập khẩu của nước này tăng bình quân 4,75%/năm. Tunisia chủ yếu nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ…

Những thông tin trên cho thấy, thị trường Tunisia vẫn còn rất nhiều dư địa cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ông Ghazi Yacoub còn cho biết, doanh nghiệp Việt Nam có thể thông qua Tunisia để tiếp cận thị trường các nước mà Tunisia có hiệp định thương mại tự do như thị trường chung Đông và Nam Phi - COMESA (gần 700 triệu người tiêu dùng). Ngược lại, các doanh nghiệp Tunisia cũng có thể tận dụng Việt Nam như cửa ngõ để đưa hàng hóa sang thị trường các nước ASEAN.

Về những thuận lợi, tuy là một quốc gia nhỏ với diện tích 163.610km2, dân số khoảng 11,7 triệu người, song Tunisia là một trong những nền kinh tế năng động, cạnh tranh nhất khu vực châu Phi-Arab, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị trí thuận lợi gần châu Âu (cách 140km).

Tunisia đã tham gia 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương. Do vậy, Tunisia có thể xem là cửa ngõ để hàng hóa các nước, trong đó có Việt Nam, thâm nhập thị trường châu Phi, nhất là khu vực Bắc Phi.

Về quan hệ chính trị, Việt Nam và Tunisia có nhiều tiến triển tích cực với việc trao đổi các đoàn cấp cao, nổi bật là chuyến thăm chính thức Tunisia của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An năm 2005 và của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2010.

Hai nước cũng đã tổ chức ba kỳ họp Ủy ban Liên chính phủ, lần gần nhất diễn ra tại thủ đô Tunis vào tháng 4/2018.

Về khuôn khổ pháp lý, Việt Nam và Tunisia đã ký một số văn bản quan trọng như Hiệp định thương mại (1994), Hiệp định Hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật (1999), Hiệp định khung Hợp tác nông nghiệp (2002), Bản ghi nhớ về hợp tác, hỗ trợ và phát triển cộng đồng doanh nghiệp giữa Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Liên đoàn Công nghiệp, thương mại và thủ công mỹ nghệ Tuinisa (UTICA) vào 2005, Hiệp định Miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và đặc biệt (2007), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn thuế (2010).

Tuy nhiên, việc trao đổi thương mại hai nước vẫn gặp những khó khăn. Do Tunisia là thị trường quy mô nhỏ, tương đối mới mẻ, nên doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến quốc gia Bắc Phi này.

Trao đổi thương mại của Tunisia vẫn tập trung chủ yếu với Liên minh châu Âu (EU) và châu Phi do gần gũi về địa lý và có những hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, doanh nghiệp hai bên Việt Nam và Tunisia còn thiếu thông tin thị trường của nhau, đặc biệt là các cơ hội kinh doanh.

Hơn nữa, Việt Nam chưa có cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại thường trú tại Tunisia nên việc hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế.

Để thúc việc tăng cường trao đổi thương mại giữa Tunisia-Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là giai đoạn hậu đại dịch COVID-19, hai nước cần tăng cường công tác thông tin thị trường, giới thiệu các cơ hội kinh doanh, đầu tư tại mỗi nước.

Đặc biệt, cần tổ chức các hội thảo, diễn đàn kết nối doanh nghiệp hai bên dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp. Hội thảo Giao thương Việt Nam-Tunisia lần là bước mở đầu cho việc thiết lập các mối quan hệ tin cậy và trực tiếp.

Các cơ quan xúc tiến thương mại của Việt Nam và Tunisia cũng cần đẩy mạnh cung cấp thông tin và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế tổ chức tại mỗi nước như Vietnam Expo hay Vietnam Food Expo.

Phát huy cơ chế kỳ họp Ủy ban Liên chính phủ để thúc đẩy quan hệ song phương trong đó có kinh tế-thương mại. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý như ký Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (Vietrade) và Trung tâm Xúc tiến xuất khẩu Tunisia (CEPEC), thành lập Hội đồng Doanh nghiệp hai nước...

Bên cạnh thương mại thông thường, doanh nghiệp Việt cần tính tới việc đầu tư, liên doanh liên kết trong lĩnh vực chế biến, chế tạo và dịch vụ có giá trị gia tăng cao tại thị trường này làm bàn đạp thâm nhập các thị trường châu Phi khác.

Hoàng Đức Nhuận

 

Nội dung liên quan