| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Hàng rào kỹ thuật nhìn từ chuyện trái thanh long, sầu riêng

8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt mốc 3,45 tỷ USD, vượt kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả năm 2022 (3,16 tỷ USD) và với tốc độ tăng trưởng có thể vượt kỷ lục 3,81 tỷ USD vào năm 2018.

Có thể nói, kết quả ấn tượng mà ngành rau quả đạt được có thể coi là một điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui cũng đã và đang xuất hiện nhiều tín hiệu cảnh báo.

Vui đấy nhưng cũng nhiều nỗi lo

Mới đây nhất, có thông tin Cục Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh (FSA) và Cục Tiêu chuẩn Thực phẩm Scotland (FSS) cho rằng trái thanh long Việt Nam có dư lượng thuốc trừ sâu, tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, FSA và FSS đang đề xuất đưa trái thanh long Việt Nam từ Phụ lục II (sản phẩm phải được xét nghiệm và được cấp giấy chứng nhận an toàn tại Việt Nam trước khi xuất khẩu) sang Phụ lục I (sản phẩm phải được xác minh và tái kiểm thực tế 50% tại cảng đến trước khi được phép lưu thông trên thị trường).

Nếu đề xuất này được đưa vào thực thi sẽ rất khó khăn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái thanh long của Việt Nam.

Trước thông tin này, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết, tính từ năm 2020 đến tháng 7/2023, Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam) chưa nhận được thông báo vi phạm nào về các lô hàng thanh long tươi và đông lạnh xuất khẩu sang Vương quốc Anh.

Trao đổi với báo chí, Lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam khẳng định, việc một siêu thị nào đó ở Anh dừng bán sản phẩm thanh long Việt Nam là hoạt động không liên quan đến việc phía Anh dự kiến tăng tần suất kiểm tra. Việc gia tăng hay giảm tần suất kiểm tra cũng là hoàn toàn bình thường trong thương mại nông sản quốc tế. Hiện, xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang Anh vẫn diễn ra bình thường.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, nên xem xét ở góc độ liệu đây có phải là một giải pháp kỹ thuật của đối tác nhằm "làm khó" trái thanh long Việt Nam, cũng như đã từng xảy ra với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu khác. Nhận định này, có thể chưa hoàn toàn chính xác trong tình huống cụ thể nhưng ở bình diện lớn hơn cũng đặt ra những vấn đề cần được xem xét thấu đáo, nghiêm túc.

Ví dụ thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu về việc trái cây xuất khẩu của Việt Nam không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Cụ thể các sản phẩm chuối, xoài, sầu riêng, mít, thanh long, nhãn… xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; hay sầu riêng, chôm chôm, ớt xuất khẩu sang Đức, Pháp, Tây Ban Nha hay ớt đông lạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc có dư lượng hóa chất vượt quá quy định. Đối tác yêu cầu Việt Nam phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong các lô hàng xuất khẩu…

Hay như trái sầu riêng cũng là mặt hàng liên tục bị cảnh báo vi phạm về kiểm dịch thực vật, chất lượng không đảm bảo khi múi bị sống sượng, thối hỏng vì trái bị cắt non. Nguyên nhân do có những thời điểm giá lên cao, thương lái gom hàng mạnh, chủ vườn tham lãi nên tranh thủ cắt một lần sạch vườn, không cần chọn lựa, sàng lọc.

Cần chấp nhận luật chơi để lớn mạnh

Từ trái thanh long và sầu riêng, nên nhắc lại một câu chuyện không mới: Đó là rào cản kỹ thuật trong thương mại. Vấn đề dường như vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức từ người sản xuất và doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do Covid-19 bùng phát, sau đó là suy giảm ở những thị trường xuất khẩu lớn, chúng ta phải tập trung ưu tiên đa dạng hóa, khai mở thị trường.

Ngay từ thời điểm Hiệp định Thương mại tự do EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU), UKFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh) đi vào thực thi, các chuyên gia của Bộ Công Thương đã khuyến nghị, cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sẽ rất lớn, đặc biệt là nông lâm thủy sản. Tuy nhiên, các nhà sản xuất và doanh nghiệp cần lưu ý về các biện pháp phi thuế quan (Non-tariff measures-NTMs) hay còn gọi là hàng rào kỹ thuật gồm 2 hình thức phổ biến: các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS - Sanitary and Phytosanitary) và hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT - Technical Barriers to Trade).

Về lý thuyết, SPS hay TBT của các FTA đều tuân thủ các quy định chung của WTO, nhằm mục đích bảo vệ tính mạng hoặc sức khỏe con người, động vật hoặc thực vật trên lãnh thổ của bên xuất khẩu cũng như nhập khẩu, không phân biệt đối xử hay tạo ra các rào cản thương mại.

Tuy nhiên, một khía cạnh khác của vấn đề là, các biện pháp kỹ thuật có thể được nước nhập khẩu sử dụng để bảo hộ sản xuất trong nước, hoặc dùng để hạn chế hàng hóa của một đối tác này và tăng ưu đãi cho một đối tác khác. Tất nhiên, khi áp dụng, các nền kinh tế lớn đều nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ để giải thích hợp lý trong quan hệ ngoại giao, hoặc xa hơn - có biện pháp phòng vệ nếu bị khởi kiện ra tòa án giải quyết tranh chấp thương mại của WTO.

Quay trở lại sự việc những trái sầu riêng xuất khẩu bị đối tác cảnh báo vì thối hỏng do cắt non, nếu ngay từ khâu kiểm định được tiến hành nghiêm ngặt, tuân thủ tiêu chuẩn trước khi xuất khẩu thì những sản phẩm như vậy đã không "lọt lưới".

Ngoài ra, có thể thấy các tiêu chuẩn của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế còn một khoảng cách. Ví dụ như Việt Nam đang áp dụng phổ biến tiêu chuẩn VietGap nhưng các thị trường nhập khẩu và người tiêu dùng toàn cầu ưa chuộng các tiêu chuẩn Global Gap, BAP và các tiêu chuẩn quốc tế khác. Do đó, các nhà sản xuất, doanh nghiệp Việt cần hướng đến tham khảo chuẩn EU để thiết kế quy trình sản xuất, chế biến, nuôi trồng sản phẩm. Dù rằng các tiêu chuẩn này cao hơn Việt Nam và các chuẩn ở các thị trường khác, tốn kém nhiều chi phí hơn nhưng một mặt sẽ giúp cho việc hàng hóa nông sản của Việt Nam có được uy tín với bạn hàng, một mặt giúp các cơ quan quản lý "dễ ăn nói" khi cần đàm phán.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, một số quốc gia đã nghiên cứu, nhanh chóng ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến để sản xuất được nhiều loại nông sản, trong đó có những trái cây tương tự Việt Nam như quả có múi, vải, thanh long, xoài… Do đó, các nhà sản xuất, doanh nghiệp nên nắm bắt, cập nhật các thông tin thay đổi về SPS và TBT, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có sự chuẩn bị tốt nhất, vì những vụ việc như thanh long, sầu riêng... sẽ còn tiếp tục xảy ra.

Cũng cần nói thêm, một số quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan... đã có nhiều kinh nghiệm "bầm dập" vì từng vấp phải những vấn đề tương tự Việt Nam khi xuất khẩu sang các thị trường lớn. Điều quan trọng là họ nghiêm túc tham vấn, học hỏi, khắc phục triệt để các nhược điểm để ngày nay có một vị thế vững vàng trong sân chơi toàn cầu hóa.

Báo Công Thương

Nội dung liên quan