| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Thụy Điển trong lĩnh vực thương mại, đầu tư

Việc Tập đoàn FPT khai trương văn phòng đại diện đầu tiên tại Thụy Điển và 5 MOU được ký kết đã mở ra triển vọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Thụy Điển.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – Vụ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
 
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Thuỵ Điển vừa được tổ chức nhân dịp 55 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thuỵ Điển. Việc tổ chức diễn đàn đã mang lại hiệu quả ra sao trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Thuỵ Điển, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, đầu tư?
 
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Điển, do Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển phối hợp với Thương vụ và Tập đoàn FPT tổ chức ngày 6/9vừa qua, với chủ đề "Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh và Đổi mới sáng tạo", đã tạo động lực quan trọng để thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Thông qua diễn đàn, các doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Điển có cơ hội gặp gỡ trực tiếp, chia sẻ kinh nghiệm và thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược, từ đó mở rộng khả năng hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ, năng lượng sạch và sáng tạo. Các doanh nghiệp Việt Nam đã học hỏi được nhiều từ Thụy Điển, quốc gia đi đầu về chuyển đổi số và phát triển bền vững, đặc biệt trong việc áp dụng công nghệ vào sản xuất và giảm thiểu tác động môi trường. Những kiến thức này giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đặc biệt là tại châu Âu. Diễn đàn cũng là cơ hội để thảo luận về các chính sách đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án hợp tác mới trong lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo và logistics.
 
Điểm nhấn quan trọng của sự kiện là Tập đoàn FPT đã khai trương văn phòng đại diện đầu tiên tại Thụy Điển và khẳng định cam kết đầu tư dài hạn tại quốc gia này, với kế hoạch mở văn phòng thứ hai tại Stockholm trong năm nay. Ngoài ra, việc ký kết 05 biên bản ghi nhớ (MOU) trong diễn đàn đã mở ra triển vọng cụ thể trong việc hợp tác cả về lĩnh vực dịch vụ và xuất nhập khẩu hàng hóa, giúp quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia sẽ không ngừng được mở rộng và phát triển bền vững trong thời gian tới.
 
Ngay sau Diễn đàn, Công ty Syre đã bay về Việt Nam để chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực tái chế vải sợi, một ngành có tiềm năng phát triển lớn trong bối cảnh toàn cầu tập trung vào phát triển bền vững. Đồng thời, MSC, hãng vận chuyển container lớn nhất thế giới, thông báo về tuyến SWAN mới, sẽ kết nối trực tiếp Gothenburg và Vũng Tàu vào năm 2025, tạo ra cơ hội lớn cho thương mại và logistics giữa hai quốc gia. Những cam kết này không chỉ làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển trong tương lai gần.
 
Được biết, trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết 5 MOU, trong đó có 4 MOU liên quan đến thương mại và logistics. Theo bà, các MOU này sẽ đóng góp ra sao đối với việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường Thuỵ Điển nói riêng và Bắc Âu nói chung?
 
Các MOU được ký kết trong khuôn khổ diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Điển đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Thụy Điển và khu vực Bắc Âu. Hai MOU đầu tiên, được ký kết giữa Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển với Business Sweden và Tập đoàn Tài chính ARC, với trọng tâm là tổ chức doanh nghiệp Bắc Âu tham dự Hội chợ Viet Nam International Sourcing Fair (Hội chợ Quốc tế Nguồn hàng Việt Nam) do Bộ Công Thương tổ chức hàng năm, sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa trực tiếp vào các kênh phân phối nước ngoài. Điều này mở ra cơ hội lớn để hàng hóa Việt Nam tiếp cận nhanh chóng và trực tiếp với các nhà nhập khẩu, giảm bớt sự phụ thuộc vào các bên trung gian, từ đó tăng khả năng cạnh tranh.
 
Trong khi đó, hai MOU còn lại, được ký giữa Cảng Gothenburg với Sở Công Thương Hải Phòng và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, tập trung vào hợp tác cảng biển và logistics. Đây là một yếu tố then chốt trong việc nâng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thụy Điển lên một tầm cao mới, vốn đang gặp khó khăn do chưa có đường bay thẳng và liên kết cảng biển trực tiếp. Hiện tại, hàng hóa từ Việt Nam đến Thụy Điển nói riêng và Bắc Âu nói chung phải đi qua các nước trung gian, gây tăng chi phí và thời gian vận chuyển.
 
Việc có tuyến vận tải SWAN của MSC kết nối trực tiếp giữa Gothenburg và Vũng Tàu vào năm 2025 như đề cập ở trên cùng với các MOU được ký kết trong diễn đàn, là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển. Các thỏa thuận này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa mà còn mở rộng khả năng hợp tác trong các lĩnh vực logistics và hạ tầng, từ đó thúc đẩy mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia.
 
Thời gian tới, các MOU sẽ được triển khai bằng những hoạt động cụ thể nào?
 
Trong thời gian tới, các MOU sẽ được triển khai thông qua nhiều hoạt động cụ thể nhằm tăng cường hợp tác và thúc đẩy xuất khẩu giữa Việt Nam và Thụy Điển.
 
Cụ thể, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển sẽ phối hợp với Business Sweden và Tập đoàn Tài chính ARC, hai đối tác vừa ký kết MOU, tổ chức đoàn doanh nghiệp Bắc Âu tham dự Hội chợ Quốc tế Nguồn hàng Việt Nam 2025, từ ngày 4-6⁄9⁄2025. Đây sẽ là cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm và kết nối trực tiếp với các nhà phân phối quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu.
 
Đồng thời, Thương vụ sẽ cùng với Cảng Gothenburg xây dựng một kế hoạch chi tiết nhằm kết nối cảng với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở cả Việt Nam và Thụy Điển, không chỉ tập trung vào việc phát triển chuỗi cung ứng mà còn giúp các doanh nghiệp hai nước tiếp cận sâu hơn với thị trường của nhau. Việc triển khai các MOU này cũng bao gồm kết nối các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước Bắc Âu khác, như Đan Mạch, Na Uy, để đảm bảo đủ lượng hàng hóa mới có thể thu hút các hãng vận chuyển, khuyến khích việc phát triển thêm các tuyến vận tải mới giữa Việt Nam và khu vực này, tương tự như tuyến SWAN của MSC sắp ra mắt.
 
Tất cả những hoạt động này sẽ góp phần cụ thể hóa các cam kết trong MOU, đồng thời tạo đà phát triển bền vững cho quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Thụy Điển, cũng như mở rộng ra các nước Bắc Âu.
 
Với những MOU đã ký kết, đặc biệt là 2 MOU của Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, theo bà, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp cận ra sao để tận dụng cơ hội đưa hàng Việt Nam vào sâu hơn thị trường Thuỵ Điển? Thương vụ sẽ có những giải pháp gì nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đạt mục tiêu này?
 
Để tận dụng cơ hội từ các MOU đã ký kết, đặc biệt là hai MOU của Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược tiếp cận cụ thể và linh hoạt nhằm đẩy mạnh hàng hóa vào thị trường Thụy Điển.
 
Trước tiên, doanh nghiệp cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường Thụy Điển, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững, sản phẩm xanh và thân thiện với môi trường. Đây là những yếu tố quan trọng trong xu hướng tiêu dùng của Thụy Điển và các nước Bắc Âu.
 
Thứ hai, các doanh nghiệp cần tham gia tích cực vào các hội chợ thương mại quốc tế ngay tại Việt Nam như Hội chợ Quốc tế Nguồn hàng, để giới thiệu sản phẩm và kết nối trực tiếp với các nhà nhập khẩu và đối tác. Đây là cơ hội không chỉ để quảng bá sản phẩm mà còn giúp doanh nghiệp tìm hiểu kỹ hơn về nhu cầu và xu hướng thị trường, từ đó định hướng chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn.
 
Về phía Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, chúng tôi sẽ tiếp tục đóng vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp hai nước, tổ chức các sự kiện kết nối giao thương, hội thảo chuyên đề, và các chương trình kết nối đối tác (B2B). Thương vụ cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc cập nhật thông tin thị trường, tư vấn chiến lược xuất khẩu và hỗ trợ pháp lý để giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường dễ dàng hơn thông qua trang website www.vietnordic.comfacebook của Thương vụ.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển

Nội dung liên quan