Ngày 13/9/2022, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến Phiên Kết nối cung cầu công nghệ Việt Nam – Nhật Bản đã được Chi nhánh Thương vụ Osaka phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng và các đơn vị, Hiệp hội phía Nhật Bản tổ chức. Chương trình đã thu hút sự tham gia của hơn 60 doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam đóng trên địa bàn Hải Phòng và 1 số tỉnh lân cận trao đổi và kết nối trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, giải pháp hỗ trợ sản xuất.
Hiện nay, việc đổi mới công nghệ, chuyển đổi số là xu thế phổ biến và là quá trình thay đổi sâu sắc các hoạt động sản xuất tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hơn lúc nào hết, nhu cầu đổi mới công nghệ, chuyển đổi số đang trở nên cấp thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.
Nhận thấy Nhật Bản là quốc gia có thế mạnh lớn trong việc phát triển các công nghệ, kỹ thuật, giải pháp tiên tiến và máy móc hiện đại, đồng thời được doanh nghiệp Việt Nam tin cậy và đánh giá cao. Thời gian qua, Chi nhánh Thương vụ Osaka đã làm việc, tìm hiểu về công nghệ, kỹ thuật, giải pháp tiên tiến hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh trạnh cho sản phẩm thực phẩm, nông, thủy sản của Việt Nam để giới thiệu các doanh nghiệp Nhật Bản có công nghệ, giải pháp thích hợp tham gia phiên kết nối này, ví dụ như công nghệ ướp lạnh và các phương tiện chuyên dụng phục vụ quá trình vận chuyển thủy sản động lạnh, nông sản tươi.
(Hoạt động kết nối tại sự kiện)
Trong quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam và Nhật Bản, bên cạnh những cơ hội và thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập và xúc tiến với thị trường Nhật Bản cũng gặp một số khó khăn, thách thức, trong đó phải kể đến việc Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế phát triển, đi trước Việt Nam nhiều năm nên Nhật Bản có yêu cầu khắt khe và áp dụng tiêu chuẩn cao hơn, nhất là đối với các mặt hàng về thực phẩm, nông, thủy sản vì đây là sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, để thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, cần sự nỗ lực, đồng hành từ Chính phủ tới các bộ, ngành của Việt Nam và các doanh nghiệp trong việc cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, công nghiệp hóa, hiện đại hóa quy trình sản xuất, đầu tư công nghệ. Phiên kết nối cung cầu công nghệ được tổ chức cũng là nhằm mục đích góp phần hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận giải pháp công nghệ mới, hiệu quả của Nhật Bản để trao đổi, tham khảo cũng như áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, hợp tác thương mại quốc tế.
Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia phiên kết nối đánh giá cao hoạt động này. Ông Nguyễn Hữu Miền, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thủy sản xuất khẩu Hạ Long cho biết, đây là hoạt động rất hữu ích, giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh, hiệu quả nhất với các doanh nghiệp cung ứng. Tại phiên kết nối, Công ty Cổ phần chế biến thủy sản xuất khẩu Hạ Long quan tâm đến công nghệ ướp lạnh và các phương tiện chuyên dụng phục vụ quá trình vận chuyển thủy sản từ Việt Nam tới thị trường quốc tế. Hiện Nhật Bản là quốc gia hàng đầu về công nghệ này.