Ngày 26⁄8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã có buổi tiếp ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương của Bộ Kinh tế các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Hai bên đã bàn thảo về các giải pháp thúc đẩy thương mại nông sản trong thời gian tới.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao hợp tác của Bộ Kinh tế UAE trong thúc đẩy thương mại giữa hai nước. Thứ trưởng chia sẻ: Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự COP 28 vào tháng 12 năm 2023 vừa qua, Thứ trưởng thay mặt Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam cùng lãnh đạo Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu UAE đã ký kết “Bản ghi nhớ Hợp tác về Đa dạng lương thực”, đây là cơ sở để hai bên thúc đẩy hợp tác song phương trong sản xuất nông nghiệp và trao đổi hàng hóa nông sản.
(Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại cuộc họp)
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và UAE đã được khởi động đàm phán từ tháng 6/2023. Đến nay, Hiệp định đã đi vào giai đoạn cuối của quá trình đàm phán với nhiều triển vọng tích cực từ cam kết của hai bên. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn Hiệp định này sớm được ký kết, nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản quan trọng của Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi về thuế tạo điều kiện thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai nước.
UAE là một trong đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Năm 2023, kim ngạch 2 chiều nông lâm thủy sản giữa Việt Nam và UAE là 327 triệu USD, tăng mạnh so với những năm trước đó. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang UAE là tiêu, điều, thủy sản (cá tra, tôm sú, tôm càng xanh, cá ngừ...), rau quả (chanh, ổi, xoài, măng cụt, dừa...), gỗ và sản phẩm gỗ, gạo, chè. Trong khi đó, sản phẩm nhập khẩu chính của Việt Nam từ UAE là thức ăn gia súc và nguyên liệu. Thứ trưởng Trần Thanh Nam tin tưởng thông qua những cơ chế liên thông với nhau, kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ còn tăng mạnh.
Ông Thani Bin Ahmed AiZeyoudi nhất trí với ý kiến của Thứ trưởng Trần Thanh Nam về Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và UAE. Thông báo về tiến trình đàm phán CEPA, Quốc vụ khanh cho biết đang rất tích cực cùng các cơ quan phía Việt Nam triển khai các quy trình pháp lý để sớm hoàn tất đàm phán, ký kết Hiệp định này.
Ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương của Bộ Kinh tế UAE
Ông Thani Bin Ahmed AiZeyoudi cho biết: UAE muốn xúc tiến nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam như lúa gạo, tiêu, điều, thủy sản. UAE cũng đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, phía UAE muốn tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để sản xuất, chế biến thực phẩm Halal tại Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất hai bên có thể tăng cường các buổi xúc tiến thương mại tại các hội nghị, diễn đàn. Đây cũng sẽ là cơ hội để doanh nghiệp hai nước tiếp cận với các chính sách, quy định mới và tăng cường hơn nữa cơ hội hợp tác.
Thứ trưởng cũng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong phát triển ngành thực phẩm Halal, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm Halal, nông thủy sản, rau quả tươi, thực phẩm chế biến... của Việt Nam sang UAE và khu vực Trung Đông.
Thứ trưởng cho biết: Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang có xu hướng phát triển các sản phẩm xuất khẩu có chất lượng và giá trị gia tăng cao; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trong đó có tính đến tăng cường xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản sang thị trường Halal toàn cầu.
Các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam được đánh giá là phù hợp với thị trường Halal, Việt Nam có lợi thể vị trí địa lý gần những thị trường Halal lớn như UAE. Thực phẩm Halal xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là nông lâm thủy sản thô và sơ chế với 08 mặt hàng xuất khẩu chính là bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, gạo, thủy sản, hạt điều, cà phê, hàng rau quả, hạt tiêu và chè. Thứ trưởng đề nghị các cơ quan liên quan của UAE chia sẻ thông tin với các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam về cung ứng các dịch vụ phân tích kiểm nghiệm, kiểm chứng chất lượng nông sản đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, các tiêu chuẩn về sản phẩm Halal.