Việt Nam không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN mà còn là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Campuchia trên thế giới.
Kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Campuchia đạt 5,2 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng từ Việt Nam sang Campuchia đạt hơn 2,41 tỷ USD, giảm 0,84% so với cùng kỳ.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia ghi nhận mức tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2024 gồm: hàng dệt may đạt 421,24 triệu USD, tăng 2,12%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày đạt 182,36 triệu USD tăng 30,29%; sản phẩm từ chất dẻo đạt 108,95 triệu USD tăng 42,88%; kim loại thường khác và sản phẩm đạt 72,48 triệu USD tăng 39,55%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 58,31 triệu USD, tăng 48,71%; sản phẩm hóa chất đạt 57,26 triệu USD, tăng 16,78%; xơ, sợi dệt các loại đạt 53,21 triệu USD, tăng 25,34%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 22,562 triệu USD tăng 57,34%; sản phẩm từ cao su tăng 80,11%; xuất khẩu cà phê tăng 82,45%;…
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu các mặt hàng từ Campuchia trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 2,9 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu ghi nhận mức tăng trưởng cao gồm: Hạt điều tăng 32,14%; quặng và khoáng sản khác tăng 105%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 172,45%; nguyên phụ liệu thuốc lá tăng 123,6%; đậu tương tăng 915,83%;...
Trong những năm qua, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển tích cực và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Về thương mại, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Campuchia tiếp tục giữ được đà tăng trưởng tích cực.
Nhằm đẩy mạnh hợp tác, hai bên đã ký Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2019 - 2020; Biên bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia; Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại...
Hai bên cũng nhất trí về các nội dung Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia. Thời gian qua, Việt Nam và Campuchia cũng dành những ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu cho các loại hàng hóa của doanh nghiệp hai bên.
Việt Nam hưởng thuế xuất nhập khẩu 0% đối với 26 mặt hàng khi nhập khẩu vào thị trường Campuchia. Đây là những ưu đãi đặc biệt mà Campuchia chỉ dành cho Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng dành ưu đãi đặc biệt thuế suất nhập khẩu 0% với 32 mặt hàng của Campuchia, phần lớn là nông sản.
Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Campuchia được xúc tiến tích cực bằng nhiều hoạt động, như diễn đàn doanh nghiệp, hội chợ triển lãm của Việt Nam tại Campuchia, mở khu kinh tế cửa khẩu. Hai bên cũng tăng cường xây dựng hành lang pháp lý, kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động thương mại.
Với lợi thế về điều kiện địa lý, mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa nhân dân hai nước, cũng như sự tương đồng về sản phẩm hàng hóa, giao thương giữa Việt Nam và Campuchia đang có mức tăng trưởng nhanh trong thời gian vừa qua. Hiện nay, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Campuchia trên thị trường quốc tế.
Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Campuchia trên thị trường
Theo Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, Việt Nam và Campuchia có chung đường biên giới trên đất liền dài khoảng 1.255km đi qua 9 tỉnh của Campuchia là Ratanakiri, Mondulkiri, Kratié, Tbong Khmum, Svay Rieng, Prey Veng, Kandal, Takéo, Kampot và 10 tỉnh của Việt Nam là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang. Giữa hai nước có 11 cửa khẩu quốc tế, 10 cửa khẩu quốc gia, 25 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để quan hệ hợp tác thương mại, kinh tế, du lịch của hai nước phát triển.
Mặc dù Campuchia có cảng container biển quốc tế, nhưng trong quan hệ buôn bán với Việt Nam, hàng hóa chủ yếu được vận chuyển qua cửa khẩu trên bộ và một số qua đường sông. Lượng hàng hóa giao nhận với Việt Nam qua cảng biển rất ít, không đáng kể.
Sở dĩ giao nhận qua biên giới được áp dụng phổ biến vì tổng mức cước vận chuyển thấp. Cửa khẩu đường bộ được thông quan hàng hóa nhiều nhất là Mộc Bài Tây Ninh và Tịnh Biên của An Giang. Cửa khẩu đường sông có hai cửa khẩu là cửa khẩu Vĩnh Xương tỉnh An Giang và cửa khẩu Thường Phước tỉnh Đồng Tháp.
Với đà tăng trưởng quy mô thương mại khả quan trong những tháng đầu năm nay, Việt Nam không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN mà còn là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Campuchia trên thế giới.
Theo ông Nguyễn Huy Tăng - Đại sứ Việt Nam tại Campuchia, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Campuchia. Trong đó có hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch, vốn là những lĩnh vực trọng tâm được lãnh đạo hai nước hết sức quan tâm.
Việt Nam và Campuchia sẽ tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện các hiệp định, biên bản ghi nhớ mà hai bên đã ký kết như: Hiệp định Thương mại biên giới giữa hai nước, thỏa thuận Thúc đẩy thương mại song phương giai đoạn 2023 – 2024. Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch giai đoạn 2023 - 2028. Bên cạnh đó, giới đầu tư và kinh doanh của hai nước sẽ xúc tiến tìm kiếm những cơ hội tốt để đầu tư, trao đổi thương mại trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Mới đây, tại buổi tiếp Ủy viên Ban Thường vụ Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Tổng Thư ký Ban Dân vận Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công tác Công cộng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Campuchia Hun Many diễn ra chiều 5/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam và Campuchia cần tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập kinh tế sâu rộng, hiệu quả ở mỗi nước và phát triển các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh; tiếp tục thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối giao thông, cùng hướng tới mục tiêu sớm đạt 20 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương.