Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN và thứ 9 trên thế giới; nằm trong nhóm 10 nước có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Hợp tác trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch COVID-19 như du lịch, lao động, giáo dục-đào tạo đã phục hồi mạnh mẽ.
1. Một số thông tin cập nhật về tình hình thị trường
Báo cáo chuyên sâu về kinh tế khu vực Đông Nam Á (SEA) quý 2 năm 2023 của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) dự đoán tốc độ tăng trưởng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia sẽ giảm xuống 2,6% trong năm nay do nhu cầu trong nước và bên ngoài suy yếu. Báo cáo cho biết: "Sau khi được hưởng lợi rất nhiều từ sự gia tăng nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa và hàng điện tử vào năm 2021 và nửa đầu năm 2022, việc chuyển dịch khỏi hàng hóa sau đại dịch và chu kỳ bán dẫn toàn cầu đang gặp khó khăn đang ảnh hưởng đến xuất khẩu của Malaysia".
Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) đã giữ nguyên lãi suất sau khi đã tăng lên mức 3% trong tháng 5 bắt chấp những lo ngại do sự mất giá của đồng Ringgit Malaysia với các đồng tiền chủ chốt. Động thái này không những không làm đồng Ringgit mất giá thêm mà trái lại còn tăng giá nhẹ trong từ trung tuần tháng 7, từ 4,6 lên 4.5 ringgit đổi được 1 USD.
Lạm phát của Malaysia đã giảm xuống 2,4% vào tháng 6 năm 2023, mức thấp nhất trong sáu tháng đầu năm 2023. Trong khi lạm phát cơ bản ở mức 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Cục Thống kê Malaysia (DoSM), sự gia tăng lạm phát của Malaysia là do các nhà hàng và khách sạn (5,4%) và thực phẩm và đồ uống không cồn (4,7%). Ngoài ra, sự gia tăng lạm phát của Malaysia trong tháng 6 năm nay còn do sự gia tăng của hàng hóa và dịch vụ khác (2,6%), y tế (2%) và giáo dục (1,9%). Nhà ở, nước, điện, khí đốt và chất đốt khác và dịch vụ vui chơi giải trí, văn hóa ghi nhận mức tăng lần lượt là 1,8% và 1,6%.
2. Hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư với Việt Nam
Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN và thứ 9 trên thế giới; nằm trong nhóm 10 nước có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Hợp tác trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch COVID-19 như du lịch, lao động, giáo dục-đào tạo đã phục hồi mạnh mẽ. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã có chuyến thăm tới Việt Nam và đã nhất trí về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, hai bên nhất trí sớm thúc đẩy triển khai các cơ chế hợp tác chuyên ngành đã ký kết; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương theo hướng cân bằng; hạn chế áp dụng các rào cản thương mại... Thủ tướng hai nước đã cùng chứng kiến Lễ ký 2 văn kiện giữa hai nước, bao gồm Bản ghi nhớ giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Malaysia.
2.1 Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Malaysia
Theo báo cáo cáo của MATRADE, tổng kim ngạch thương mại trong quý II năm 2023 của Malaysia đã giảm 11,3% xuống còn 643,2 tỷ RM (142.9 tỷ USD) so với quý II năm 2022. Xuất khẩu giảm 11,1% xuống còn 348,7 tỷ RM (77,4 tỷ ÚSD) và nhập khẩu với giá trị 294,5 tỷ RM (65,4 tỷ USD) giảm 11,5%. Thặng dư thương mại 54,1 tỷ RM (12 tỷ USD) được ghi nhận trong giai đoạn này, giảm 8,8%.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại, xuất nhập khẩu và thặng dư thương mại đều giảm. Tổng kim ngạch xuất nhâp khẩu giảm 4,6% xuống còn 1,288 tỷ RM (286 tỷ USD), Xuất khẩu giảm 4,5% xuống 703,27 tỷ RM (156,3 tỷ USD), nhập khẩu giảm 4,7% xuống 584,75 tỷ RM (129.94 tỷ USD). Do đó, thặng dư thương mại ghi nhận giá trị cao hơn 118,5 tỷ RM (26,3 tỷ USD).
Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2023, nhập khẩu giảm 4,7% xuống còn 584,75 tỷ RM (130 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu hàng hóa trung gian giảm 13,5% xuống còn 298,72 tỷ RM (66,38 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái, tư liệu sản xuất tăng 1,5% lên 57,05 tỷ RM (12,7 tỷ USD) và hàng tiêu dùng giảm 1,2% xuống còn 49,75 tỷ RM (11 tỷ USD).
2.2. Hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Malaysia
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Malaysia 6 tháng đầu năm 2023 đạt 6,06 tỷ USD giảm mạnh tới 23,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu là 2,46 tỷ USD, cũng giảm tới 19,5% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu đạt 3,59 tỷ USD giảm 25,9% so với cùng kỳ. Điểm đáng kích lệ là nhập siêu từ Malaysia trong nửa đầu năm 2023 dù lên tới 1,13 tỷ USD, nhưng chỉ còn chiếm 45,8% so với kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trong cả năm trước.
Xuất khẩu: Mặt hàng sản phẩm hóa chất đã tăng mạnh tới 169% so với cùng kỳ và vượt lên trở thành mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu của Việt Nam vào Malaysia với kim ngạch 329 triệu USD trong nửa đầu năm 2023 và đẩy mặt hàng máy tính và linh kiện xuống vị trí thứ hai do mặt hàng sụt giảm kim ngạch tới 58,2% so với cùng kỳ. Đây cũng là một vấn đề đáng lo ngại do sự đóng góp của mặt hàng điện tử cao cấp suy giảm.
Các mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng còn có: điện thoại và linh kiện chỉ tăng 6,5% (đây mặt hàng thường xuyên chiếm vị trí dẫn đầu trong nhiều năm liên tục), thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 30,1%, clinker và xi măng tăng tới 96,7%, giầy dép các loại tăng tới 60,4%, hàng rau quả tăng tới 23,9%
Nhập khẩu: hầu hết các mặt hàng nhập khẩu từ Malaysia đề giảm, nhưng giảm mạnh nhất và đáng lo ngại nhất là mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (giảm 21,5%), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm tới 45,5%, sản phẩm dầu khí giảm 8%; đây là những mặt hàng đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu và m nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa nói chung và hàng hóa xuất khẩu nói riếng và có thể coi đây là nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai. Mặt hàng dầu mỡ động thực vật giảm 35,3% cũng làm điểm đáng chú ý và dự báo làm ảnh hưởng đển sản xuất các mặt hàng thực phẩm chế biến.
Trái ngược với xu hướng giảm, mặt hàng Sản phẩm khác từ dầu mỏ tăng tới 73,9% với kim ngach gần 47 triệu USD, dây điện và dây cáp điện lại cho thấy sự tăng trưởng, tới 47,9%, kim ngạch khoảng 7 triệu USD.