Chiều ngày 11 tháng 12 năm 2024, hội thảo giới thiệu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) được tổ chức thành công tại Hà Nội, đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ giữa Việt Nam và Israel.
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Sinh Nhật Tân, Tổng Vụ trưởng Chính trị và Hợp tác đa phương của Bộ Ngoại giao Israel Aliza Bin-Noun, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái, cùng với đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, cơ cấu thương mại của Việt Nam và Israel không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau, đây chính là tiền đề quan trọng để hai Bên có thể mở rộng trao đổi thương mại trong thời gian tới. Thứ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam và Israel đã trải qua quá trình đàm phán khó khăn, nhưng với nhiều nỗ lực và quyết tâm, hai Bên cuối cùng đã ký được Hiệp định và đưa vào thực thi. Hiệp định VIFTA sẽ tạo ra tiền đề cho hai Bên triển khai nhiều hoạt động trao đổi thương mại, đầu tư, du lịch và các hoạt động giao lưu khác, giúp hai nước tối đa hóa những dư địa hợp tác, tiềm năng của mình để tương xứng với mối quan hệ song phương Việt Nam - Israel.
Tại Hội thảo, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) được chính thức giới thiệu đến các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam và Israel. Cùng với đó, các đại biểu tham dự chia sẻ những thông tin tổng quan về Hiệp định VIFTA áp dụng cho hai Bên và lợi ích dành cho các doanh nghiệp sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) được ký kết vào tháng 7/2023, giúp định hình lại mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia, thúc đẩy thương mại, đầu tư và hợp tác công nghệ. Kim ngạch thương mại song phương, đạt 2,68 tỷ USD vào năm 2023, dự kiến sẽ tăng mạnh nhờ các cam kết giảm thuế quan 85,8% từ phía Việt Nam và 92,7% từ phía Israel vào cuối lộ trình.
Với Việt Nam, Hiệp định VIFTA mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm xuất khẩu như dệt may, giày dép, thủy sản và điện tử, giúp doanh nghiệp cạnh tranh trong nền kinh tế đổi mới sáng tạo của Israel.
Về phía Israel, Hiệp định mang lại cơ hội cho các công ty Israel thâm nhập vào thị trường Việt Nam, nơi có gần 100 triệu người tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng GDP liên tục vượt 6% mỗi năm. Các lĩnh vực hợp tác trọng điểm bao gồm công nghệ nông nghiệp, quản lý nguồn nước, và năng lượng tái tạo.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel và sự hợp tác chặt chẽ như hiện nay đã phản ánh một mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp, đặt nền móng cho từng bước phát triển của quan hệ song phương giữa hai nhà nước trong tương lai.