| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tình hình kinh tế và tài chính của Mô-dăm-bích 2008-2009

1/ Những yếu tố mang tính cơ cấu của nền kinh tế          Với GDP bình quân đầu người tính theo ngang giá sức mua là 880 USD (năm 2009), Mô-dăm-bích vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên, các chỉ số xã hội đã được cải thiện và nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ có thể đạt được từ nay đến 2015 (nhất là tiêu chí giảm nghèo tuyệt đối từ 69% năm 1996 xuống còn 54% năm 2007) nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong thập kỷ 1996-2007 (trung bình 8% mỗi năm). Năm 2008, tăng trưởng GDP của quốc gia này đạt 6,8%.. Năm nay, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo mức tăng trưởng này giảm xuống còn 4,3% do tác động của cuộc khủng hoảng quốc tế. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng này vẫn cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của khu vực Châu Phi dưới sa mạc Xa-ha-ra (2%).

 

          Tháng 5 vừa qua, IMF đã đưa ra đánh giá tích cực về tiến triển kinh tế và công tác quản lý kinh tế vĩ mô của Mô-dăm-bích. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này còn mong manh do việc phát triển kinh tế vẫn tập trung vào một số vùng (hành lanh Maputo nối liên thủ đô Mô-dăm-bích với TP Johannesburg, hành lang Beira nối khu vực cảng Beira với khu vực nằm sâu trong lục địa…) và nhiều dự án khổng lồ thu hút phần lớn lượng vốn đầu tư (trong lĩnh vực mỏ, năng lượng). Mặc dù nền kinh tế tương đối đa dạng nhưng các cơ sở công nghiệp (nằm ngoài các dự án quy mô lớn) vẫn còn yếu kém, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vẫn chiếm 28% GDP trong khi ngành công nghiệp đã tăng từ 14% (trước khi xây dựng nhà máy sản xuất nhôm Mozal, giai đoạn 2000-2002) lên 30% vào năm 2008.

        Để bù đắp việc suy giảm viện trợ quốc tế có thể dự báo trong thời gian tới, Mô-dăm-bích cần tạo điều kiện phát triển lĩnh vực tư nhân chính thức và tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nước này sở hữu nhiều thế mạnh: có nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng và đa dạng như năng lượng (thuỷ điện, khí tự nhiên), mỏ (than, ti tan, đá quý), nông nghiệp, lâm nghiệp, đánh bắt cá và du lịch. Mô-dăm-bích còn có vị trí địa lý chiến lược trong lĩnh vực vận tải so với các nước láng giềng nằm sâu trong lục địa (Ma-la-uy, Xoa-di-len, Dăm-bi-a và Dim-ba-bu-ê).

         2/ Bối cảnh kinh tế

         Tăng trưởng GDP

         Tỷ lệ tăng trưởng của Mô-dăm-bích trong 10 năm qua là một trong những mức tăng cao nhất khu vực châu Phi dưới Xa-ha-ra. Năm 2008, mức tăng trưởng GDP đạt 6,8% và sẽ giảm xuống còn 4,3% năm 2009 (theo IMF), 5% (theo WB) và 6% (theo Chính phủ nước này).

         Những tác động đầu tiên của cuộc khủng hoảng thế giới đã bắt đầu được nhận thấy ngay từ đầu năm nay. Trên thực tế, cuộc khủng hoảng chỉ làm rõ thêm những điểm yếu về cơ cấu của nước này, chủ yếu là các cơ cấu sản xuất có từ thời kỳ thuộc địa (chẳng hạn, các nhà máy sản xuất phụ thuộc nhiều vào luồng vốn bên ngoài, mức độ tập trung hoá cao). Do vậy, Mô-dăm-bích rất dễ bị ảnh hưởng bởi thị trường quốc tế và những biến động kinh tế lớn trong nước chỉ được giải quyết bằng viện trợ từ bên ngoài.

         Các ngân hàng của Mô-dăm-bích ít phải đối mặt trực tiếp với những rủi ro do cuộc khủng hoảng tài chính gây ra, cho dù phần lớn những ngân hàng này phụ thuộc vào các tập đoàn ngân hàng nước ngoài.

         Ngược lại, tác động của cuộc khủng hoảng đến nền kinh tế thực sự đã thể hiện rõ và các dòng vốn FDI đổ vào nước này đang giảm. Nhiều dự án lớn về mỏ (Vale, Riversdale…) và khí hyđrôcácbua (đường ống dẫn dầu Maputo-Witbank) vẫn được tiếp tục được triển khai nhưng với tốc độ chậm hơn dự kiến (do giảm giá dầu thế giới và gặp những khó khăn về tài chính). Những dự án khác đang trong giai đoạn thẩm định đã phải ngừng thực hiện như dự án khai thác «cát nặng» ở Chibuto (cty BHP Billiton), các hoạt động khai thác tại Rio Tinto... Sản lượng của nhà máy sản xuất nhôm Mozal (doanh nghiệp số 1 của nước này) đã giảm do những hạn chế về năng lượng từ Nam Phi và giảm giá nhôm XK.

         Ngược lại, sản lượng nông nghiệp (mùa vụ 2008-2009) sẽ tăng, nhất là ngô (1,9 triệu tấn, + 12%) và đường (420 000 tấn,

+ 68%). Chính phủ cũng dự báo lĩnh vực du lịch và năng lượng sẽ đạt những kết quả khả quan.

         Cán cân thanh toán

         Việc giảm kim ngạch xuất khẩu nhôm (khoảng 10% năm 2008) đã không thể được bù đắp bởi việc đưa vào khai thác mỏ Moma (khai thác cát nặng) và việc bán titan. Dự báo, năm 2009, giá nhôm thế giới sẽ tiếp tục giảm (mà mặt hàng này chiếm trên 50% giá trị xuất khẩu của Mô-dăm-bích) trong khi hai sản phẩm XK chính khác là gas và điện phụ thuộc vào các hợp đồng mua bán với Nam Phi. Do những hợp đồng này thanh toán bằng bằng đồng rand của Nam Phi nên Mô-dăm-bích phải chịu những biến động tỷ giá giữa usd/rand. Doanh thu XK các mặt hàng khác như gỗ tươi (do thu hẹp các thị trường xây dựng) hay các loại thực phẩm được xem là «xa xỉ» (tôm, hạt điều…) cũng sẽ giảm. Việc tái xuất nhiên liệu cũng đã bị ảnh hưởng bởi việc giảm tốc độ tăng trưởng của một số nền kinh tế trong khu vực (nhất là Dim-ba-bu-ê).

         Do vậy, kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm mạnh năm 2009 (-30%). Tuy nhiên, thâm hụt thương mại có thể sẽ giảm từ 10,3% xuống còn 7,4% GDP do giảm thâm hụt trong cán cân dịch vụ (du lịch) và thu nhập.

         3/ Chính sách ngân sách và tiền tệ

         Chính sách ngân sách

         Thâm hụt ngân sách (không kể các khoản cho, tặng) sẽ được duy trì ở mức 20% GDP, chủ yếu do tăng chi (cải cách lương trong lĩnh vực công cộng, tổng tuyển cử vào tháng 10/2009, chương trình nông nghiệp 3 năm trị giá 333 triệu USD…), trong khi các khoản thu của Nhà nước có thể giảm 1,3% GDP theo IMF (các khoản thu này thường chiếm khoảng 17% GDP của Mô-dăm-bích ; mức trung bình của các nước thuộc Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi-SADC là 22%). 55% ngân sách 2009 của nước này đến từ nguồn vốn bên ngoài và hiện có 19 quốc gia cam kết tài trợ cho Mô-dăm-bích 455 triệu USD. 2/3 khoản ngân sách này sẽ tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, nhất là y tế và giáo dục.

         Trong năm 2010, các nhà tài trợ cũng đã cam kết tăng nhẹ hoặc ít nhất duy trì mức trợ giúp ngân sách nói trên. Tuy nhiên, trong khuôn khổ Chương trình thuế trung hạn 2009-2011, việc hỗ trợ tài chính từ bên ngoài sẽ giảm xuống còn 45% vào năm 2011 nếu các khoản thu thuế tăng, bằng 0,5% GDP mỗi năm (do Chính phủ đã cam kết điều này với IMF) nhờ mở rộng cơ sở tính thuế, cải thiện việc thu hút và tăng nguồn vốn FDI.

         Chính sách tiền tệ

         Ngân hàng TW Mô-dăm-bích có những mục tiêu chính là kiểm soát khối lượng tiền tệ (phát hành tín phiếu Kho bạc) và duy trì một tỷ giá hối đoái ổn định để kiểm soát lạm phát nhập khẩu. Ngân hàng còn có những biên độ giao động để điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và sẽ tiếp tục giảm mức độ can thiệp trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng nhằm kích thích đầu tư. Theo đánh giá của IMF, tỷ lệ lạm phát 10,3% năm 2008 sẽ giảm xuống còn 5 hoặc 6% trong năm nay.

           Tình hình nợ

         Chính sách vay nợ thận trọng của Mô-dăm-bích đã cho phép nước này duy trì các chỉ số nợ ở những mức có thể chấp nhận được, với khoản nợ nước ngoài chiếm 40% GDP vào cuối năm 2008.

         Những chỉ số kinh tế vĩ mô chính

 

2008

2009*

2010*

GDP (tỷ USD)

10,7

12,0

12,6

Dân số (triệu dân)

21,8

22,3

22,8

Tăng trưởng GDP (%)

6,8

4,3

5,4

GDP/người (USD theo ngang giá sức mua)

852

880

909

Lạm phát

10,3%

6,6%

8,9%

Xuất khẩu (triệu USD)

2471

1702

1846

Nhập khẩu (triệu USD)

3073

2334

2728

Cán cân thương mại (triệu USD)

-602

-632

-882

Nợ công cộng (% GDP)

21,4

22,2

24,8

Nợ nước ngoài (% GDP)

39,9

33,9

37,9

Nguồn : IMF và Ngân hàng TW Mô-dăm-bích

* Dự đoán

            4/ Quan hệ với IMF

         Chương trình giảm nghèo và tăng trưởng (FRPC) của IMF thực hiện ngày 06/07/2004 đã kết thúc ngày 18/06/2007 với việc xác nhận tính vững chắc trong khung kinh tế vĩ mô của Mô-dăm-bích.

         Việc cung cấp một công cụ hỗ trợ chính sách kinh tế (ISPE/PSI) giai đoạn 3 năm (tháng 6/2007-6/2010) đã được IMF thông qua ngày 18/06/2007.

         Công cụ này giúp chính quyền Mô-dăm-bích linh hoạt hơn trong việc xác định và thực hiện các cuộc cải cách cơ cấu, đồng thời được hưởng những tư vấn và phân tích của IMF. Đây là tín hiệu IMF đánh giá cao tiến độ các cuộc cải cách và những thành tựu của nước này

         5/ Viễn cảnh

         Vẫn còn quá sớm để đánh giá một cách chính xác ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế Mô-dăm-bích. Tuy nhiên, có thể dự đoán tăng trưởng GDP sẽ chỉ ở mức 4,5 đến 5% trong năm nay. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính có thể cũng là một cơ hội tốt cho quốc gia này nếu như các cuộc cải cách cơ cấu trong « làn sóng thứ hai » gắn liền với việc cải thiện công tác điều hành Chính phủ và môi trường kinh doanh được tiến hành một cách sâu sắc hơn, và nếu như những cuộc cải cách nhằm đa dạng hoá cơ sở sản xuất, huy động tối đa nguồn nội lực, bảo đảm về lâu dài các dịch vụ và cơ sở hạ tầng công cộng chất lượng cao được thực hiện.

                                                                                                                                        (Nguồn : Theo Thương vụ Pháp tại Mô-dăm-bích)

 

 

 

Thương Vụ Việt Nam tại Maroc

Nội dung liên quan