Theo số liệu thống kê mới nhất của Hải quan Đài Loan, trong 4 tháng đầu năm 2025, Đài Loan đã nhập khẩu tổng cộng 312.733 tấn xi măng và 927.020 tấn clinker, với giá trị tương ứng là 21,5 triệu USD và 42,98 triệu USD.
Việt Nam vẫn duy trì vị thế là nhà cung cấp xi măng số một, trong khi Indonesia vươn lên dẫn đầu thị trường clinker. Đáng chú ý, Đài Loan đã nhập khẩu xi măng từ 5 đối tác và clinker từ 4 đối tác trong thời gian này.
Xi măng: Việt Nam giữ vững ngôi đầu
Theo thống kê của phía Đài Loan, trong tổng lượng nhập khẩu của 4 tháng đầu năm, Việt Nam đóng góp 179.483 tấn, chiếm tới 57.39% thị phần, tăng 15,6% so với cùng kỳ. Giá trị nhập khẩu xi măng từ Việt Nam cũng tăng đáng kể, đạt 11,54 triệu USD, tương đương mức tăng 12,26%.
Trong khi đó, các đối thủ như Nhật Bản và Indonesia lại ghi nhận sự sụt giảm. Nhật Bản – nhà cung cấp lớn thứ hai – giảm 1,4% về lượng và 1.57% về giá trị. Indonesia dù đứng thứ ba nhưng chỉ chiếm 3.62% thị phần, với lượng nhập khẩu gần như đi ngang.
Clinker: Indonesia vượt lên
Ngược lại với xu hướng tích cực ở mảng xi măng, Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu clinker sang Đài Loan. Lượng clinker nhập từ Việt Nam chỉ đạt 297.320 tấn, giảm hơn 37%, kéo theo giá trị kim ngạch cũng giảm hơn 40%, chỉ còn 13,35 triệu USD. Thị phần của Việt Nam do đó tụt xuống chỉ còn 32%.
Trong khi đó, Indonesia vươn lên vị trí số một trong mảng clinker, với sản lượng nhập khẩu đạt 581.700 tấn, chiếm 62,75% thị phần, tăng trưởng mạnh 21,6% so với năm trước. Giá trị nhập khẩu từ Indonesia đạt 27,17 triệu USD, tăng 12,01%.
Các quốc gia khác như Thái Lan gần như rút khỏi thị trường, với sản lượng chỉ còn 48.000 tấn (giảm hơn 66%) và giá trị sụt gần 65%.
Thách thức với xi măng và clinker Việt Nam tại thị trường Đài Loan: Thuế chống bán phá giá
Cơ quan quản lý Tài chính Đài Loan (MOF) hôm thứ Tư (21/5) đã công bố kết quả cuối cùng của cuộc điều tra chống bán phá giá đối với xi măng Portland và clinker nhập khẩu từ Việt Nam, xác nhận rằng các công ty Việt Nam đã tham gia vào hành vi bán phá giá.
MOF cho biết, quyết định có áp dụng thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm xi măng nhập khẩu hay không dự kiến sẽ được đưa ra sớm nhất vào cuối tháng 7, sau khi Cơ quan quản lý Kinh tế (MOEA) hoàn tất điều tra về việc liệu hoạt động bán phá giá có gây tổn hại nghiêm trọng đến ngành công nghiệp Đài Loan hay không.
Cuộc điều tra bắt đầu từ tháng 8 năm ngoái, sau khi Hiệp hội Công nghiệp Xi măng Đài Loan đệ đơn yêu cầu áp thuế chống bán phá giá, cáo buộc rằng các sản phẩm nhập khẩu đang bị bán phá giá và gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa.
Trong kết luận sơ bộ được công bố vào ngày 10 tháng 2, MOF xác nhận các sản phẩm này đang bị bán phá giá tại Đài Loan. Tuy nhiên, Cơ quan này đã không áp dụng thuế tạm thời vì cuộc điều tra của MOEA cho thấy, dù hoạt động bán phá giá có nguy cơ gây tổn hại đáng kể, nhưng chưa đủ bằng chứng chứng minh thiệt hại thực tế.
Với báo cáo điều tra cuối cùng đã hoàn tất, MOF sẽ chuyển để MOEA tiếp tục làm rõ liệu việc nhập khẩu xi măng từ Việt Nam có đe dọa đến ngành công nghiệp xi măng và nền kinh tế Đài Loan hay không, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc áp thuế.
Theo quy định hiện hành của Đài Loan, MOEA sẽ đưa ra kết luận trong vòng 40 ngày kể từ khi nhận được thông báo từ MOF. Sau đó, MOF sẽ có 10 ngày để trình hồ sơ lên Cơ quan xét duyệt mức thuế suất, nhằm thảo luận về việc có áp dụng thuế chống bán phá giá hay không.
Hiện có sáu doanh nghiệp Việt Nam bị cáo buộc bán phá giá xi măng Portland và clinker vào Đài Loan với biên độ dao động từ 13,59% đến 23,2%.
Theo thông báo của MOF, các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng Việt Nam bị cáo buộc bán phá giá vào Đài Loan có 20 ngày có ý kiến phản hồi với kết luận của MOF.