| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Úc xem xét áp dụng Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) để giảm thiểu nguy cơ rò rỉ các-bon

Úc và nhiều quốc gia khác đang cân nhắc lựa chọn chính sách phù hợp để ứng phó với nguy cơ rò rỉ khí thải các-bon. Những chính sách này được thiết kế thành các bộ công cụ khác nhau hướng đến mục đích cuối cùng là tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi nhằm đưa lượng phát thải ròng về bằng 0. Bài viết này tập trung vào Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism – CBAM) của Úc như một trong những chính sách hướng tới phát triển bền vững hiệu quả nhất tại quốc gia này.

CBAM được áp dụng cho hàng nhập khẩu bao gồm việc thu một khoản phí tại biên giới. Khoản phí này được tính toán dựa trên hàm lượng các-bon có trong hàng hóa nhập khẩu đó. Công thức này sẽ tính đến sự chênh lệch về giá tuân thủ các-bon (hoặc giá tương đương, có xét đến các công cụ chính sách khí hậu không định giá) giữa nước nhập khẩu và quốc gia nơi hàng hóa được sản xuất.

Khi quốc gia sản xuất không áp dụng chi phí các-bon, chi phí các-bon áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ tương đương với chi phí các-bon dành cho hàng hóa sản xuất ở nước sở tại. Tương tự, nếu các nhà sản xuất ở nước sở tại chỉ phải trả phí các-bon đối với một phần lượng khí thải của họ, nguyên tắc này cũng sẽ sẽ được áp dụng cho hàng nhập khẩu. Ví dụ, các mức cơ sở áp dụng đối với các cơ sở sản xuất tại Úc theo Cơ chế Phòng vệ cũng có thể áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu.

Việc áp dụng CBAM sẽ có những tác động nhất định đối với các nhà sản xuất trong nước và các nhà nhập khẩu. Cụ thể, CBAM có thể có lợi cho các nhà sản xuất trong nước khi đối mặt với sự cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, CBAM sẽ hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước nếu hàng hóa sản xuất trong nước có hàm lượng phát thải các-bon thấp hơn so với hàng hóa nhập khẩu. Ngược lại, hàng hóa nhập khẩu sẽ có ưu thế nếu quá trình sản xuất chúng tạo ra lượng khí thải các-bon ít hơn so với hàng hóa của nước sở tại. CBAM cũng có thể ảnh hưởng đến cấu trúc nguồn nhập khẩu. Khi một mức giá các-bon được áp dụng chung trên thế giới, nhà nhập khẩu có thể điều chỉnh chiến lược nguồn cung của họ dựa trên yếu tố về phát thải các-bon.

Chính phủ Úc cam kết tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế và đảm bảo sự nhất quán với các quy tắc của WTO - một yếu tố quan trọng trong đối với bất kỳ cơ chế CBAM tiềm năng nào. Trên thực tế, CBAM đã làm dấy lên nhiều cuộc thảo luận về tính tương thích với một nền thương mại mở, tự do và công bằng, cũng như sự phù hợp với các nguyên tắc của WTO. Mức độ tương thích sẽ phụ thuộc vào việc cơ chế CBAM được xây dựng và triển khai như thế nào. Ví dụ, CBAM được xem là không phân biệt đối xử khi nó chỉ xét đến lượng phát thải trong nước. Các điều chỉnh sẽ được giảm theo tỷ lệ tương ứng dựa trên các mức cơ sở của Cơ chế Phòng vệ, có thể không bao gồm các phát thải theo Phạm vi 2. Ngoài ra, một số câu hỏi cũng được đặt ra về khả năng tuân thủ các quy định của WTO, khi mà một số sản phẩm cụ thể của Úc (chẳng hạn như vôi) chỉ thuộc một phần phạm vi điều chỉnh của Cơ chế Phòng vệ.

Về nguyên tắc, một cơ chế CBAM sẽ mở rộng việc áp dụng điều chỉnh các-bon đối với hàng hóa xuất khẩu tại biên giới. Điều chỉnh này có thể được tính toán dựa trên chi phí các-bon thực tế phát sinh trong quá trình sản xuất hoặc các chỉ số cụ thể như “hiệu suất các-bon đối với sản xuất trong nước” hoặc “mức độ phát thải trung bình toàn cầu”. Mục tiêu là cân bằng chi phí tuân thủ các-bon được đánh giá tại thời điểm sản xuất với tính cạnh tranh trong nước. Tuy nhiên, việc triển khai có thể gây ra gánh nặng về chi phí cho chính phủ. Có một số cách tiếp cận khác nhau, bao gồm việc phân bổ hạn ngạch miễn phí cho lượng phát thải liên quan đến hàng hóa xuất khẩu. Cần lưu ý rằng, mặc dù cơ chế này có thể ngăn chặn những thách thức liên quan đến cạnh tranh do mức giá các-bon khác nhau, nó cũng có thể vô tình làm giảm động lực giảm phát thải trong nước, dẫn đến việc các nhà sản xuất chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài. Do đó, để đạt được mục tiêu giảm mức phát thải ròng, cần nghiên cứu và tìm kiếm các biện pháp giảm phát thải tương đương ở những lĩnh vực khác trong nền kinh tế Úc.

CBAM của Úc có thể đạt được những mục tiêu kỳ vọng nếu cơ chế này đạt được sự cân bằng giữa việc duy trì tính cạnh tranh giữa các ngành công nghiệp trong nước và thúc đẩy mục tiêu về khí hậu. Việc xây dựng một cơ chế CBAM hiệu quả đòi hỏi thiết kế cẩn thận, thông tin chi tiết từ các bên liên quan và bảo đảm tuân thủ với các nghĩa vụ quốc tế của quốc gia này.

Vụ chính sách thương mại đa biên

Nội dung liên quan