| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Xu hướng tiêu dùng gạo tại Madagascar

Kể từ tháng 1/2015, một số người bán sỉ tại thủ đô của Madagascar chỉ bán gạo nhập khẩu thay vì gạo địa phương. Những người này nhập khẩu trung bình từ 7 đến 10 tấn gạo/tháng. Lo ngại về khả năng thiếu gạo dự trữ do tình trạng đường xá Madagascar khá xấu, sự bấp bênh của giá lúa địa phương và việc không phải chịu thuế nhập khẩu gạo là những lý do chính khiến những người bán sỉ thích nhập khẩu gạo nước ngoài.

Ông Nasaina Randria­narivony, quản lý một công ty bán buôn tại Ambodi­vona nói : « Chúng tôi thích nhập khẩu gạo hơn vì giá bán rẻ hơn và ít rủi ro hơn vì giá gạo trong nước có xu hướng không ổn định. Vì thế, chúng tôi không bán gạo địa phương như makaliokatsipala kể từ tháng 1 năm nay ».

Trên thị trường hiện nay, một bao gạo nhập khẩu có giá bán 70.000 ariary và 1 kg gạo là 1.300 ariary, trong khi đó gạo địa phương giao động từ 1500 ariary đến 1 800 ariary/kg (1 USD tương đương 3116.40 ariary).

Tuy nhiên, theo những người bán lẻ, gạo địa phương vẫn bán rất chạy trên thị trường vì chất lượng tốt hơn.

Mặc dù vậy, giá thấp vẫn là lý do chính giải thích việc người dân tiếp tục mua gạo nhập khẩu. Một người tiêu dùng thổ lộ: « Chúng tôi muốn ăn gạo chất lượng cao nhưng không dám mua nhiều vì giá đắt ».

Theo dự báo của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc, lượng gạo nhập khẩu của Madagascar trong tài khóa 2014-2015 vào khoảng 235.000 tấn, giảm hơn một nửa so với con số 540.000 tấn nhập khẩu của năm tài chính 2013-2014. Nguyên nhân là do trong năm 2014-2015, sản xuất gạo của Madagascar đạt khoảng 4 triệu tấn, tăng 10% so với mức 3,6 triệu tấn gạo của năm 2013-2014 nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi. 

Trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Madagascar đạt 27,1 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2014, con số này chỉ ở mức khiêm tốn là 381.998 USD.

                                                                   Hoàng Đức Nhuận

Vụ Thị trường Châu Phi Tây Nam Á

Nội dung liên quan