| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Phiên họp thứ 3 về cập nhật tình hình và giải pháp ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ

Tối 7⁄4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 3 với các Bộ, ngành về cập nhật tình hình và giải pháp ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ.

Đàm phán để tiến đến cân bằng thương mại bền vững

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành có liên quan tập trung chuẩn bị hồ sơ cho Đoàn Việt Nam đến Mỹ đám phán. Theo đó, đề nghị Mỹ hoãn việc thực hiện áp thuế đối với Việt Nam ít nhất 45 ngày để có cơ sở, điều kiện, chuẩn bị chuyển tiếp trạng thái. Đàm phán để tiến đến cân bằng thương mại bền vững, có lợi cho cả hai bên; có lợi cho người tiêu dùng hai bên, nhưng không ảnh hưởng đến cam kết quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 3 với các Bộ, ngành về cập nhật tình hình và giải pháp ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ tối ngày 7/4 (Ảnh: VOV)

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đàm phán theo đúng như cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Mỹ: Đưa ra thông điệp sẵn sàng trao đổi với Mỹ, đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ; Đồng thời, đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam; Tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện mua hàng hóa của Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để các công ty Mỹ đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.

Tập trung vào các giải pháp tăng cường thương mại

Tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị tập trung vào các giải pháp tăng cường thương mại, các mặt hàng Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu. Tiếp tục rà soát, giải quyết dứt điểm, hiệu quả các yêu cầu doanh nghiệp phía Mỹ quan tâm.

Thủ tướng nhấn mạnh xử lý tốt vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ theo thông lệ Việt Nam và quốc tế, để ổn định lãi xuất, tỉ giá, cân bằng phù hợp với nền kinh tế Việt Nam.

Những vấn đề có tính chất vi thuế quan, Thủ tướng giao các Bộ, ngành nghiên cứu trả lời thỏa đáng, sát tình hình thực tế. Về xuất xứ hàng hóa, Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương rà soát, kiểm soát việc xuất xứ hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam, không để việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Liên quan đến bản quyền sở hữu trí tuệ, Thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát những gì hợp lý, bất cập, không phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền, lợi ích của người có sáng chế. Chống hàng giả, hàng nhái vào thị trường Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp (Ảnh; VOV)

Về hỗ trợ doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành tập trung vào gói tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ... Mở rộng gói tín dụng cho thủy sản, nghiên cứu các gói tín dụng ưu đãi cho các mặt hàng khác. Đồng thời giãn, hoãn lãi suất cho các mặt hàng bị ảnh hưởng bởi thuế suất. Hoãn, giãn thuế tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Hoàn thuế giá trị gia tăng, giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền giảm thuế, trước mắt là thuế giá trị gia tăng.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục các biện pháp ngoại giao, thông qua các kênh khác nhau để tác động đến cơ quan liên quan của Mỹ, có giải pháp phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam và đối tác chiến lược toàn diện hai nước.

Lấy kinh tế tư nhân làm động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, hiện nay cả nước đang triển khai "bộ tứ chiến lược", cùng với Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị là thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính địa phương; phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, lấy kinh tế tư nhân làm động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng cho biết để thực hiện "bộ tứ chiến lược" này, Chính phủ đã và đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược là đột phá về thể chế, hạ tầng, nhân lực. Với các yêu cầu của tình hình mới, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nắm chắc tình hình và thị trường sở tại, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp của Việt Nam với các nước.

Đặc biệt, phải kết nối kinh tế Việt Nam với các nước, khu vực và kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước; hỗ trợ doanh nghiệp trong hợp tác, làm ăn; thường xuyên trao đổi với các bộ, ngành, ngành hàng, doanh nghiệp các nước…

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các Bộ ngành, địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp đoàn kết, phối hợp với bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới bao bì, mẫu mã sản phẩm.

Cùng với đó, thực hiện tái cơ cấu sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng để mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc một số thị trường nhất định, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Vietnamexport tổng hợp

Nội dung liên quan