Do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 10 tiếp tục xuất siêu khoảng 3 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 10 tháng năm 2023 là 24,61 tỷ USD.
Nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục tăng
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2023 ước đạt 29,31 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,36 tỷ USD, tăng 3,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,95 tỷ USD, tăng 2,4%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Mười tăng 5,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 8,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,5%.
Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 266,67 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 95,08 tỷ USD, giảm 10,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 171,59 tỷ USD, giảm 13,3%.
Trong 10 tháng năm 2023 có 41 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 91,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 03 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 43,4%).
Một trong những điểm tích cực trong tháng 10 là kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục tăng. Trong đó, nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước, ước đạt 26,09 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tỷ trọng 89% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước, cho thấy những dấu hiệu trong phục hồi trong sản xuất công nghiệp. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 8,2 tỷ USD, tăng tới 26,4% so với cùng kỳ năm trước; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 3,5 tỷ USD, tăng 2,4%; vải các loại tăng 8%, thép các loại tăng 35,2%; xăng dầu các loại tăng 44,8%...
Tuy nhiên, do những khó khăn về thị trường xuất khẩu, sự sụt giảm trong đơn hàng xuất khẩu từ đầu năm, cùng với việc giá nguyên liệu hạ nhiệt đã kéo theo nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm tương ứng. Tính lũy kế 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vẫn giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2022 (ước đạt gần 236 tỷ USD). Ngoại trừ máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 0,8% (ước đạt 71,02 tỷ USD), hầu hết các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất các ngành hàng xuất khẩu đều giảm ở mức hai con số, như: điện thoại các loại và linh kiện giảm tới 60,4%; sắt thép các loại giảm 17,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 10,5%; vải các loại giảm 14,2%...
Nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát giảm 18%
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát cũng giảm 18% trong 10 tháng năm 2023, ước đạt 15,17 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng trong nhóm này đều giảm so với cùng kỳ năm trước như: rau quả, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, phế liệu sắt thép, ô tô, đá quý, kim loại quý và sản phẩm…
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa trong 10 tháng năm 2023, do những khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, nhất là nguyên phụ liệu của Việt Nam từ hầu hết các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,7 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 43,1 tỷ USD, giảm 18,6%; thị trường ASEAN ước đạt 33,46 tỷ USD, giảm 14,9%; Nhật Bản ước đạt 17,56 tỷ USD, giảm 11,1%; thị trường EU ước đạt 15,6 tỷ USD, giảm 2,6%; Hoa Kỳ ước đạt 11,47 tỷ USD, giảm 6,9%.
Do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 10 tiếp tục xuất siêu khoảng 3 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 10 tháng năm 2023 là 24,61 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 9,56 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,99 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 42,6 tỷ USD. Xuất siêu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán quốc tế.