| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Chính sách đối phó dịch Corona tại Maroc

Về chính sách đối phó với dịch Coronavirus, cho đến nay Maroc chưa có điều chỉnh thay đổi liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, kiểm soát tại cảng hay hạn chế hàng nhập khẩu từ các nước trong đó có Việt Nam. Maroc cũng chưa có trường hợp nghi nhiễm hay nhiễm bệnh nào.

Tuy vậy, ngày 27/1, Đức Vua Mohamed VI đã chủ trì họp Chính phủ để bàn biện pháp phòng dịch, theo đó tới đây Maroc sẽ áp dụng một số biện pháp kiểm soát hành khách nhập cảnh vào Maroc tại các sân bay quốc tế, đồng thời tăng cường lục lượng xử lý, hỗ trợ công tác vệ sinh, kiểm dịch và cách ly tại các sân bay nếu có trường hợp nghi nhiễm. Nhà Vua cũng ra quyết định đưa nhóm sinh viên và người Maroc tại Vũ Hán về Maroc trong những ngày tới.

Trong thời gian tới, nếu dịch lan sang đến châu Phi thì rất có thể các nước trong đó có Maroc sẽ áp dụng các biện pháp triệt để và mở rộng đối với cả hàng hóa xuất nhập khẩu. Việc này Thương vụ vẫn theo dõi thường xuyên và nếu có thay đổi gì từ phía bạn, TV sẽ thông báo để toàn thể cộng đồng doanh nghiệp trong nước được biết.

Đối với mặt hàng điều, trong giai đoạn này giá cả điều nhân tại Maroc khá tốt và có thể sẽ tốt ít nhất tới tháng 4, bởi lẽ thương nhân nhập về để bán trong dịp lễ Ramadan. Tuy nhiên, khách hàng Maroc cũng hay chậm thanh toán và đôi khi bỏ hàng nếu tình hình thị trường có biến động, kể cả các đối tác giả định có uy tín và thường xuyên thực hiện cam kết.
Bởi vậy, các doanh nghiệp của ta cần xem xét áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro, nhất là nếu dịch bệnh bùng phát (mong sao không như vậy) thì tình hình sẽ khó dự báo và kiểm soát.

Một số biện pháp giảm thiểu rủi ro có thể xem xét như sau:

- Ngay từ ban đầu, cần đề nghị đối tác hỏi mua hàng gửi hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp như đăng ký kinh doanh, địa chỉ, mã số thuế…để có thông tin đầy đủ về khách hàng phục vụ công tác xác minh doanh nghiệp hoặc trong trường hợp phát sinh vấn đề, có thể hoàn tất hồ sơ kiện đối tác không tuân thủ ra tòa thương mại.
- Để tăng khả năng tuân thủ cam kết và độ tin cậy, cần yêu cầu đối tác mua hàng đặt cọc cao, tối thiểu 25% giá trị lô hàng.
- Tuyệt đối không chuyển trước cho đối tác mua hàng bất kỳ khoản tiền nào theo đề nghị của họ với bất cứ lý do gì.
- Đối với hợp đồng ký kết gửi qua thư điện tử và phụ lục cần đặc biệt lưu ý đến chữ ký và con dấu do có thể bị cắt dán giả mạo, nhất là các hợp đồng qua trung gian.
- Không gửi cho khách hàng ảnh chụp vận đơn gốc của hãng tàu do khách hàng có thể dùng máy in màu làm giả, trong khi hải quan được miễn trách thẩm định hồ sơ thật/giả, mà chỉ kiểm đủ hồ sơ là có thể cho thông quan.
- Hợp đồng vận tải với hãng tàu uy tín, ràng buộc trách nhiệm hãng tàu phải sử dụng dịch vụ của đơn vị giao nhận có uy tín tại cảng đến.
- Sử dụng ngân hàng uy tín, địa chỉ của ngân hàng đích ít nhất là cấp chi nhánh và phải có trụ sở tại một trong ba thành phố Rabat, Casablanca hay Tanger. Không ghi địa chỉ ngân hàng đích là các đại lý ở các địa phương theo đề nghị của khách hàng gây khó khăn trong xử lý khi phát sinh trục trặc liên quan đến lô hàng.
- Khi xác định có trục trặc, cần liên hệ sớm với các cơ quan liên quan để có thể có giải pháp tối ưu nhất, tránh để kéo dài gây thiệt hại càng lớn cho doanh nghiệp, có trường hợp không thể xử lý được.

Thương vụ Việt Nam tại Maroc

Nội dung liên quan