| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Giới thiệu cảng quốc tế Cotonou-Bénin

Nằm giữa thủ đô kinh tế của Bénin, cảng Cotonou thường được coi là lá phổi của nền kinh tế, chiếm tới 90% trao đổi thương mại của nước này và đóng góp 45-50% nguồn thu thuế và 80-85% nguồn thu hải quan. Cùng với mặt hàng bông và hoạt động tái xuất, đây được xem là một trong ba trụ cột của nền kinh tế.

Từ năm 1965, Cảng tự quản Cotonou (PAC) do một công ty công nghiệp và thương mại của Nhà nước quản lý, có pháp nhân và tự chủ về tài chính. Đặt dưới sự bảo trợ của Bộ trưởng Giao thông-Công chính, Công ty Cảng Cotonou phụ trách việc quản lý, bảo dưỡng và khai thác cảng. Về mặt quy chế, Công ty này còn đảm đương việc nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng cũng như cải thiện năng lực bốc dỡ hàng.

 Cảng Cotonou có đủ những thế mạnh để nắm giữ vai trò sân sau của Bénin, với chức năng chuyên phối hàng trong khu vực (Bénin hướng nhiều tới lĩnh vực thương mại và dịch vụ, chiếm trên 50% GDP).

Thật vậy, nhờ vị trí địa lý của mình, Bénin là cửa ngõ ra biển tự nhiên gần nhất đối với các nước nằm sâu trong lục địa khu vực Tây Phi như Nigiê, Buốckina Phaxô, thậm chí cả Mali. Cảng Cotonou cũng là điểm quá cảnh của hàng hoá đi Nigiêria. Có khoảng 60-70% hàng nhập khẩu của Bénin được tái xuất một cách chính thức hoặc không chính thức sang nước này mặc dù năm 2003, Nigiêria đã tiến hành hạn chế nhập khẩu. Cảng Cotonou tận dụng được những điểm yếu của cảng Apapa-Nigiêria (không an toàn, ứ đọng hàng hoá) nằm cách đó chỉ 130km và giúp các doanh nghiệp Nigiêria hoạt động trong lĩnh vực kinh tế ngầm tránh được những khoản thuế rất cao đối với một số sản phẩm nhập khẩu vào đất nước đông dân nhất châu Phi này (130 triệu người). Bénin có 800 km đường biên giới chung với Nigiêria.

Với mức tăng trưởng trung bình 6,5% mỗi năm kể từ năm 1965, lưu lượng của cảng Cotonou lần đầu tiên đã vượt ngưỡng 4 triệu tấn vào năm 2003 (+23% so với năm 2002) do tận dụng được cuộc khủng hoảng tại Bờ Biển Ngà.

Tuy nhiên, sự phát triển này đã bị ngừng lại từ năm 2004 với lưu lượng hàng nhập khẩu qua cảng giảm xuống còn 3,5 triệu tấn (-7,5% so với năm 2003). Về lưu lượng hàng xuất khẩu, nhỏ hơn rất nhiều, giảm 4,5% chỉ ở mức 448 220 tấn năm 2004.

Việc giảm lưu thông hàng hoá qua cảng là do những biện pháp hạn chế nhập khẩu từ phía Nigiêria áp dụng kể từ năm 2003. Một nguyên nhân khác là việc sử dụng cảng Cotonou của các nước nằm xa bờ biển đã giảm. Hàng quá cảnh đi Mali đã giảm từ 13.977 tấn xuống còn 424 tấn năm 2004 (tức là giảm 97%). Hàng quá cảnh qua cảng Cotonou đi Buốckina Phaxô chỉ ở mức 25 265 tấn trong khi năm 2003 là 37 215 tấn (giảm 32%). Cuối cùng, hàng quá cảnh đi Nigiê cũng giảm từ 799 961 tấn năm 2003 xuống còn 671 446 tấn năm 2004 (giảm 16%).

Năm 2005, theo những thống kê vừa công bố, đã có sự phục hồi hoạt động cảng Cotonou, cụ thể :

- Có 4 552 022 tấn hàng nhập khẩu qua cảng, tăng 29,3% so với năm 2004

- 588 616 tấn hàng xuất khẩu, tăng 31,3% so với năm trước.

Tuy nhiên, những kết quả này phần nhiều phụ thuộc vào những hoàn cảnh đặc biệt: tăng xuất khẩu bông đột biến do vụ thu hoạch cao hơn dự báo, việc vận chuyển hàng lương thực cứu trợ khẩn cấp cho người dân Nigiêria đang gặp nạn đói năm 2005 (qua hành lang Bénin) (Năm 2005, riêng hàng quá cảnh đi Nigiê đã tăng 50,83%, tức là tăng 343 092 tấn so với năm 2004).

Một số hạn chế của cảng Cotonou

Gần đây, cảng Cotonou đã giảm bớt những lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực nhất là cảng Lomé của Togo. Sự lộn xộn về an ninh trật tự, thủ tục hành chính nặng nề, có nhiều tác nhân tham gia, chi phí giao dịch cao chưa kể những chi phí phụ khác đã tác động xấu đến sự hấp dẫn của cảng. Cơ quan quản lý cảng không có những công cụ quản lý hữu hiệu để đảm bảo khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó là thời gian hàng hoá nằm tại tại khu vực cảng kéo dài. Chẳng hạn, thời gian trung bình để thông quan một côngtennơ hàng nhập khẩu ở Bénin là 12,2 ngày trong khi tại Mali là 9,6 ngày và ở Xênêgan là 7,1 ngày.

Hiện đại hoá chức năng và cải cách thủ tục hành chính của cảng

Về mặt chức năng, chính quyền Bénin mong muốn mở rộng và phát huy tối ưu các cơ sở hạ tầng sẵn có của cảng. Mặt khác xem xét lại vấn đề độc quyền vận chuyển hàng rời của công ty Nhà nước SOBEMAP. Dự kiến công ty này sẽ được tư hữu hoá vào năm 2007.

Cuối cùng cần thực hiện những cải cách hành chính để giảm thời gian chuyển hàng, đơn giản hoá thủ tục bốc dỡ, giảm tham nhũng bằng cách hạn chế tiếp xúc giữa nhân viên và người sử dụng cảng, tin học hoá các thủ tục hành chính.

Ngày 22/2/2006, Bénin và Mỹ đã ký một thoả thuận theo đó Mỹ sẽ tài trợ 307 triệu USD trong vòng 5 năm trong khuôn khổ Sáng kiến Millenium Challenge Account (MCA) của Mỹ, chủ yếu nhằm nâng cao công suất tiếp nhận và quan lý cảng Cotonou.
                                                                                                               

 

 

Thương vụ Việt Nam tại Morocco

Nội dung liên quan