Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 7 năm 2024 đạt 1,38 tỷ USD, tăng 10,7% so với tháng 6 năm 2024 và tăng 23,2% so với tháng 7 năm 2023.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu nhóm hàng này đạt gần 8,89 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này giúp gỗ và sản phẩm gỗ có trị giá lớn thứ 6 trong các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Mỹ, riêng thị trường này đã chiếm tới gần 55% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước 7 tháng đầu năm, đạt trên 4,88 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, riêng tháng 7/2024, xuất khẩu sang thị trường này đạt 814 triệu USD, tăng 33,6% so với tháng 7/2023.
Đứng vị trí thứ hai là thị trường Trung Quốc với 1,2 tỷ USD kim ngạch, tăng 39% so với cùng kỳ. Riêng tháng 7, nước này đã chi 159 triệu USD thu mua, giảm 7,6% so với cùng kỳ.
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, đạt 961 triệu USD, tăng 1,5% so với 7 tháng năm 2023. Trong tháng 7, Việt Nam thu về 163 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, xuất khẩu tới các thị trường tiềm năng cũng tăng trưởng tốt như: Canada, Úc, Tây Ban Nha, Ba Lan.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam hiện đang đứng ở vị trí thứ 5 thế giới, xét về tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, nếu chỉ tính đến nhóm sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao, chẳng hạn như đồ mộc trong nhà và ngoài trời, ngành xuất khẩu gỗ của Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ dự báo tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số với các yếu tố hỗ trợ như: theo chu kỳ hàng năm, xu hướng tăng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là các nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ tại các thị trường lớn thường tăng mạnh vào 3 tháng cuối năm, khi thị trường nhà ở bước vào hoàn thiện và nhu cầu sắm sửa, cải tạo lại trang thiết bị nội thất để đón chào năm mới.
Những yếu tố hỗ trợ cho triển vọng tiềm năng này là do theo chu kỳ hàng năm, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có xu hướng tăng, nhất là những nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ ở các thị trường lớn thường tăng mạnh trong 3 tháng cuối năm. Đây cũng là thời điểm thị trường nhà ở bước vào hoàn thiện cũng như nhu cầu cải tạo, sắm sửa trang thiết bị nội thất để chào đón năm mới.
Trong năm 2024, ngành lâm nghiệp đặt ra mục tiêu xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của nước ta sẽ đạt 17,5 tỷ USD. Nếu chinh phục được mục tiêu này, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này sẽ tăng 21% so với năm 2023.