Những trái vải tươi chín sớm của Đài Loan bắt đầu được cung ứng ra thị trường.
(Vải Ngọc hà bao - vải chín sớm của Đài Loan được đóng gói quà tặng để đưa ra thị trường; Nguồn ảnh : Libertytimes)
Tình hình trồng/ sản xuất
Trái vải thiều được trồng từ Đài Loan khá sớm và đến nay Đài Loan có diện tích trồng vải thiều tương đối ổn định. Theo thống kê của phía Đài Loan, toàn Đài Loan có 15/23 huyện thị có trồng vải thiều với tổng diện tích khoảng 10~11 nghìn ha và chủ yếu tập trung tại các vùng phía Nam và phía Đông của Đài Loan như Cao Hùng, Đài Trung, Nam Đầu, Hoa Liên vv.... nơi có khí hậu khá giống với Việt Nam, trong đó Cao Hùng là vùng trồng lớn nhất, chiếm tới 33% tổng diện tích trồng vải của cả Đài Loan. Tiếp đến là Đài Trung 17%, huyện Nam Đầu 13%, thành phố Đài Nam 11%, huyện Chương Hóa 9%. Năm huyện thị nêu trên có sản lượng vải chiếm tới 83% tổng sản lượng vải toàn Đài Loan.
Thời gian thu hoạch
Trái vải thiều của Đài Loan có thời gian thu hoạch cũng tương đối giống Việt Nam (tháng 6 tháng 7 hàng năm) và sản lượng thu hoạch bình quân 1ha trồng vải thiều của Đài Loan đạt 8,22 tấn/ha và cả năm có sản lượng vải thiều của Đài Loan đạt khoảng 93.220 tấn.
Về chủng loại trái vải
Theo thời gian thu hoạch, trái vải thiều tại Đài Loan được chia thành vải chín sớm, vải chín vừa ngày và vải vải chín muộn. Trong đó, loại vải chín vừa ngày “Hắc diệp” chiếm lượng lớn nhất, tới 70%, chủ yếu phân bố ở miền Trung gồm Đài Trung, Nam Đầu, Chương Hóa. Loại thứ nhì là loại vải chín sớm, gọi là “Ngọc hà bao”, chiếm quy mô 25%, chủ yếu phân bố ở miền Nam như Cao Hùng. Còn lại là vải “Ngọc mễ tư”.
Tình hình tiêu thụ, xuất/ nhập khẩu
Thống kê của phía Đài Loan cho thấy, vải của Đài Loan tiêu thụ ở thị trường nội địa là chính, chiếm tới 99% với phương thức tiêu thụ chủ yếu là thương lái thu mua vận chuyển phân phối, bán lẻ ở chợ, siêu thị. Và chỉ 1% được xuất khẩu, sang 03 thị trường chính gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản và Singapore.
Trong khi đó về nhập khẩu, theo thống kê của Cơ quan quản lý Ngoại thương Đài Loan (BOFT), giai đoạn 2021 – 2022, Đài Loan không ghi nhận việc nhập khẩu trái vải tươi (mã HS0810.90.10.10.7) từ thế giới. Trong khi đó, việc nhập khẩu các sản phẩm chế biến từ vải (mã HS2008.99.10), Đài Loan chủ yếu nhập vải đông lạnh, vải chế biến, vải đóng hộp với đối tác cung ứng chính là Thái Lan (chiếm khoảng 70%) và kim ngạch không nhiều (dao động từ 25~65 nghìn USD/ năm).
Trái vải tươi và nhãn tươi là một trong những trái cây đã được phía Việt Nam đưa vào danh sách đề xuất Đài Loan mở cửa thị trường. Tuy vậy, vẫn cần thêm thời gian để cơ quan kiểm dịch hai Bên hoàn tất các thủ tục đánh giá rủi ro mở cửa thị trường. Do đó, để khai thác thị trường Đài Loan trong thời điểm này, các doanh nghiệp cần nghiên cứu đưa ra các sản phẩm đã qua chế biến/gia công để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ vải vào Đài Loan.