| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Quốc kỳ Việt Nam tung bay tại siêu thị Pakistan

Pakistan là nước uống trà. Mức tiêu thụ trà bình quân đầu người của Pakistan là khoảng 1,5 kg⁄năm. Cà phê được coi là thứ đồ uống của giới trung lưu tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Lahore, Karachi, Islamabad. Vì vậy mức tiêu thụ bình quân đầu người chỉ vào khoảng 0,1 kg⁄năm. Tuy nhiên quá trình toàn cầu hóa và sự thâm nhập của văn hóa nước ngoài qua internet và điện thoại thông minh đang dẫn đến số lượng người uống cà phê tăng lên. Năm 2022 Pakistan nhập khẩu 208 tấn cà phê trị giá 1,4 triệu USD, chủ yếu từ Ý (33 %), U.A.E (20 %), Malaysia (18 %), Hoa Kỳ (7 %), Ca-na-đa (5 %), Việt Nam (4 %), Bra-xin (3 %). Dự báo nhu cầu nhập khẩu của Pakistan sẽ tăng trưởng trên 12 % và đạt 12 triệu USD vào năm 2028.

Pakistan nhập khẩu chủ yếu các loại cà phê đã chế biến như cà phê hạt đã rang, bột cà phê, cà phê hòa tan trong đó chủ yếu là cà phê hòa tan. Sản phẩm cà phê hòa tan Nescafe của Thụy sĩ thống lĩnh thị trường.

Việt Nam nổi tiếng trên thị trường Pakistan với các mặt hàng chè, hạt tiêu, hạt điều, cá tra v.v. Tuy nhiên hàng xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập vào thị trường  Pakistan hầu hết dưới dạng nông sản sơ chế, không thương hiệu. Năm 2022 Pakistan nhâp khẩu cà phê Việt Nam dưới dạng đã rang nguyên hạt, chưa tách ca-phê-in (mã HS 090121).

(Ảnh: Hạt tiêu Việt Nam được nhập khẩu và đóng gói  với thương hiệu PONAM và phân phối trong hệ thống siêu thị IMTIAZ)

Tuy nhiên năm 2023 Tập đoàn siêu thị lớn nhất Pakistan IMTIAZ đã nhập cà phê hòa tan Việt Nam sản xuất theo công nghệ sấy lạnh của Công ty Instanta Việt Nam là doanh nghiệp 100 vốn đầu tư nước ngoài của Ba Lan. Có thể nói đây là một sự kiện chấn động thị trường. “Chú lính chì” cà phê Việt Nam bé nhỏ dám hiên ngang xuất hiện trong hàng ngũ duyệt binh của Nescafe đã thống lĩnh thị trường trong bao nhiêu năm mà không có một thương hiệu nội địa hay nước ngoài nào dám bén mảng.

 

(Ảnh: Quốc kỳ Việt Nam tung bay trong siêu thị lớn nhất Pakistan)

Tập đoàn siêu thị IMTIAZ đã quảng cáo cà phê Việt Nam rất hoành tráng với quốc kỳ Việt Nam tung bay ngạo nghễ trong dòng người mua sắm tất bật ngược xuôi. Thật là tự hào. Bà con Việt kiều tại Karachi đã nhanh chóng được loan báo và hồ hởi đến siêu thị để chiêm ngưỡng quốc kỳ Việt Nam và sản phẩm Việt Nam và chụp ảnh mang về khoe với bạn bè, hàng xóm. Giá trị vô hình của sản phẩm Việt Nam có thể còn lớn hơn nhiều so với giá trị sử dụng của sản phẩm.

Sản phẩm cà phê hòa tan đầu tiên được IMTIAZ nhập về là “Coffee Classic” được tiêu thụ khá mạnh. Một số siêu thị IMTIAZ đã hết hàng. Ngay sau đó IMTIAZ tung ra một dòng sản phẩm mới “Gold Coffee” với giá cao gấp rưỡi  dòng sản phẩm trước. Với dòng sản phẩm mới IMTIAZ thể hiện quyết tâm đưa mặt hàng cà phê Việt Nam vào thị trường Pakistan trong thế cạnh tranh bình đẳng với các thương hiệu lớn chứ không phải là bán hàng dựa vào ưu thế giá rẻ.

(Ảnh: Sản phẩm cà phê cao cấp Việt Nam trong siêu thị lớn nhất Pakistan)

Tập đoàn siêu thị IMTIAZ được thành lập từ năm 1955 là doanh nghiệp Pakistan tiên phong trong lĩnh vực siêu thị và hiện nay là chuỗi bán lẻ lớn nhất Pakistan với 27 siêu thị bao trùm tất cả 12 thành phố lớn nhất Pakistan như Karachi, Lahore, Islamabad, Peshawar, Quetta. IMTIAZ hiện đang phân phối 52.000 sản phẩm, sở hữu hơn 10.000 thương hiệu. Có thể nói được phân phối qua các siêu thị IMTIAZ luôn là niềm tự hào đối với bất kỳ sản phẩm nào và là sự đảm bảo chắc chắn cho 1 thị trường tiêu thụ rộng lớn với hơn 200 triệu người tiêu dùng. Một trong các chiến lược kinh doanh của tập đoàn là hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng để xây dựng thương hiệu dựa trên sức mạnh tổng hợp của tất cả các khâu sản xuất, cung ứng và phân phối bán lẻ.

Tập đoàn siêu thị IMTIAZ sẽ cử giám đốc nhập khẩu vào dự chuỗi sự kiện VIETNAM INTERNATIONAL SOURCING 2024 tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 6-8/6/2024. Tập đoàn mong muốn gặp gỡ làm việc với các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng Việt Nam để hợp tác đưa hàng Việt Nam vào chuỗi bán lẻ IMTIAZ trên thị trường Pakistan.

Thương vụ Việt Nam tại Pakistan

Nội dung liên quan