Xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Đông thu về 130.8 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2018,
(Hình ảnh chỉ mang tính minh họa)
Trong năm 2017, Trung Đông là thị trường lớn thứ 5 của cá tra Việt Nam sau Trung Quốc, Hong Kong, Hoa Kỳ, EU và ASEAN với tổng kim ngạch đạt 290.4 triệu USD.
Trong khu vực này, UAE, Ai Cập và Ả rập xê út là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất trong vòng 3 năm qua với tiềm năng được dự báo lớn hơn trong tương lai.
Tính đến hết tháng 10, xuất khẩu cá tra sang UAE đạt 44.56 triệu USD, tăng tới 135%.
Xuất khẩu cá tra sang Ai Cập đạt 30.9 triệu USD tính đến hết tháng 10 năm 2018, tăng 26.4% so với cùng kỳ năm 2017, dự báo xuất khẩu cá tra sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng với tỉ lệ cao trong năm tiếp theo.
Trong khi đó, xuất khẩu cá tra sang Ả rập xê út gần như đóng cửa nguyên nhân do yêu cầu liên quan đến chương trình “Halal Breeding Program” (Tạm dịch là chương trình chăn nuôi Halal) đối với sản phẩm từ động vật. Theo chường trình này, nguyên liệu chăn nuôi và cơ sở vật chất sản xuất sản phẩm từ động vật đều phải có chứng nhận Halal. Theo VASEP, thị trường Ả rập xê út sẽ mở cửa lại trong năm 2019 và sẽ có nhiều cơ hội hơn cho cá tra xuất khẩu sang thị trường này.
Mặc dù nhiều khả năng tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Đông thấp hơn so với năm 2017, nhưng đây vẫn được coi là thị trường tiềm năng cho thủy hải sản Việt Nam nói chung và cá tra nói riêng. Bên cạnh đó, đây là thị trường trung chuyển cho các sản phẩm thủy sản sang khu vực thị trường Bắc Phi và Tây Á, trong khi những yêu cầu về tiêu chuẩn cũng như những yêu cầu kỹ thuật không quá khắt khe như những thị trường Hoa Kỳ, EU hay Nhật Bản.
Ngành chế biến và xuất khẩu cá tra đã thu được kết quả ấn tượng về mọi mặt nuôi trồng, sản xuất và xuất khẩu trong năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu vượt 2 tỷ USD với Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất, theo sau là Trung Quốc và EU.
Nếu chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục, Việt Nam sẽ có nhiều khả năng đẩy mạnh xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ thay cho mặt hàng cá rô phi của Trung Quốc đang chiếm tới 40% thị phần tại thị trường này. Bên cạnh đó, Việt Nam đã vượt qua các kiểm tra thực địa của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đây là bước quan trọng để đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu sang thị trường này.
Có 1 vấn đề đặt ra với Việt Nam hiện tại là việc quản lý nuôi trồng khoa học sau 1 năm tăng trưởng mạnh. Đầu năm 2017, nông dân vội vã tăng lượng nuôi trồng sau khi nguyên liệu chế biến thiếu hụt khiến giá cá tra tăng cao, ngay sau đó đến mùa thu hoạch ồ ạt, giá giảm khiến mùa vụ tiếp theo nông dân lại giảm nuôi trồng và việc thiếu hụt nguyên liệu đầu ra. Bên cạnh đó, việc quản lý chặt chẽ quy trình nuôi trông một phần giúp ổn định nguồn nguyên liệu, kiểm soát giá đầu ra và cũng dễ dàng trong việc xin các loại giấy chứng nhận cần thiết phù hợp với yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.