| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tình hình hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam-CH Công-gô

Cộng hoà Công-gô nằm ở phía Tây của trung phần châu Phi, phía Bắc giáp Cameroon và Trung Phi, phía Đông giáp CHDC Công-gô, phía Tây giáp Gabon và phía Nam giáp Angola. Với diện tích 342.000 km2, thủ đô là Bradavin (Brazzaville), Công-gô có dân số khoảng 4,5 triệungười (năm 2013). Về tôn giáo, Đạo Thiên chúa chiếm 50% dân số, Bái vật giáo 48% và Đạo Hồi 2%. Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức và đơn vị tiền tệ là đồng franc của Cộng đồng tài chính châu Phi (CFA) (1 euro = 655 Franc CFA).

Nền kinh tế Cộng hoà Công-gô pha trộn giữa nông nghiệp làng xã và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Lĩnh vực công nghiệp chủ yếu dựa vào dầu mỏ, trụ cột của nền kinh tế, cung cấp nguồn thu và nguồn xuất khẩu chủ yếu cho chính phủ. Sau cuộc nội chiến, tháng 10/1997, chính phủ đã công khai thể hiện mối quan tâm của mình trong việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách kinh tế, tư nhân hoá và đổi mới sự hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế.

Nhưng những tiến bộ của nền kinh tế đã nhanh chóng bị ảnh hưởng bởi biến động của giá dầu và những cuộc xung đột vũ trang trong nước vào tháng 12/1998 gây thâm hụt ngân sách trầm trọng và khó khăn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc  phục hồi giá dầu trong thời gian gần đây đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Năm 2012, GDP của Công-gô đạt 13,74tỷ USD, tăng trưởng 4,9%. GDP bình quân đầu người đạt 3058 USD/người/năm. Tuy nhiên, phân phối thu nhập không đồng đều chỉ tập trung vào một nhóm người và phần đông dân số vẫn sống dưới mức nghèo khổ. Tỷ lệ lạm phát là5,1% trong năm 2012do nhu cầu trong nước tăng mạnh và giá thực phẩm quốc tế tăng.Công-gô bị tụt hậu rất lớn so với các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). Nước này có khả năng chỉ đạt được hai mục tiêu vào năm 2015, là giáo dục và thúc đẩy bình đẳng giới. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao, đặc biệt là trong giới trẻ.

Nông nghiệp chỉ đóng góp 4,2% GDP của cả nước năm 2012. Các nông sản chủ yếu là gạo, đường, ngô, rau, cà phê, ca cao, sắn, đậu phộng, lâm sản.

Ngành công nghiệp đóng góp 71,3% GDP. Công nghiệp dựa chủ yếu vào dầu mỏ với sản lượng 274,4 nghìn thùng/ngày. Ngoài ra còn có các ngành công nghiệp khác như xi măng, xà phòng, công nghiệp gỗ, thuốc lá…

Lĩnh vực dịch vụ chiếm 24,5%. Về ngoại thương, năm 2012, Công-gô xuất khẩu 12,35 tỷ USD. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là dầu mỏ, xi măng, gỗ xẻ, gỗ dán, đường, ca cao, cà phê, kim cương. Các bạn hàng xuất khẩu của Công-gô là Mỹ, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Đức, Italia, Đài Loan, Trung Quốc.

Năm 2012, Công-gô nhập khẩu khoảng 4,751 tỷ USD, trong đó các mặt hàng chính gồm trang thiết bị, vật liệu xây dựng và lương thực. Các bạn hàng nhập khẩu của Công-gô là Pháp, Mỹ, Đức, Trung Quốc và Hà Lan.

Về đối ngoại, Công-gô theo đuổi đường lối đối ngoại rộng mở, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Liên Hiệp quốc, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, Phong trào Không liên kết, IMF, WTO,...

Quan hệ Việt Nam-Công-gô

Hainước có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Việt Nam và Công-gô thiết lập quan hệ ngoại giao từ rất sớm ngày 16/7/1964. Hiện nay, Đại sứ quán ta tại Angola kiêm nhiệm Công-gô và Đại sứ quán Công-gô tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam.

Haibên cũng đã ký một số thỏa thuận song phương như Hiệp định khung hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật (2000), Thoả thuận Hợp tác ba bên Việt Nam-FAO-Công-gô về an ninh lương thực (2001), Hiệp định Thương mại, Nghị định thư hợp tác giữa 2 Bộ Ngoại giao, Nghị định thư hợp tác về giáo dục, Nghị định thư hợp tác về công nghiệp và thoả thuận hợp tác giữa hai Phòng Công nghiệp và Thương mại hai nước (2012).

Trong thập kỷ 80, Việt Nam đã cử nhiều lượt chuyên gia giáo dục, y tế, nông nghiệp sang Công-gô. Cuối năm 1989, do khó khăn kinh tế, bạn đã ngừng hợp đồng thuê chuyên gia của ta. Trong hai năm 2003 và 2004, Việt Nam tiếp tục đưa 54 chuyên gia và kỹ thuật viên sang giúp Công-gô trồng lúa nước theo Thoả thuận hợp tác ba bên Việt Nam-FAO- Công-gô.

Về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, từ năm 2009, Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tham gia vào dự án đầu tư tại Công-gô trong lĩnh vực thăm dò và thẩm lượng dầu khí.

Trong lĩnh vực thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước còn khiêm tốn, năm 2012 chỉ đạt 33,44 triệu USD trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Công-gô đạt 17,14 triệu USD, giảm 64% so với năm 2011 với các mặt hàng chính là gạo (6,5 triệu USD), thủy sản (2 triệu USD), máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 1,2 triệu USD, sản phẩm hoá chất 1,1 triệu USD. Năm 2012, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Công-gô đạt 16,39 triệu USD, tăng hơn 22% so với năm 2011 trong đó gỗ và các sản phẩm gỗ chiếm tới 15,32 triệu USD...

Trong 6 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Công-gô đạt 9,89 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản phẩm dệt may chiếm 4,5 triệu USD, hàng hải sản 1,5 triệu USD, gạo 1,5 triệu USD, cao su 377.467 USD, bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc 357.467 USD. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Công-gô đạt 7,9 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2012 với các mặt hàng chính gồm gỗ và sản phẩm gỗ 5,7 triệu USD, đồng 1,5 triệu USD, sắt thép phế liệu 631.468 USD.

Tháng 5/2012, trong khuôn khổ Chương trình phát triển thương mại liên vùng giữa các nước thành viên của Liên minh kinh tế và tiền tệ Tây Phi (UEMOA), Cộng đồng kinh tế và tiền tệ Trung Phi (CEMAC) và các nước nước nói tiếng Pháp thuộc Tiểu vùng sông Mekong (Việt Nam, Lào, Campuchia), Bộ Công Thương đã phối hợp với Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Phòng Thương mại, Công nghiệp, Nông nghiệp và các Ngành nghề thành phố Pointe-Noire (Cộng hòa Công-gô) tổ chức Cuộc gặp Bên mua/Bên bán về gỗ tại Pointe-Noire. Hội thảo đã thu hút được sự tham gia của hơn 300 đại biểu đến từ các nước CH Công-gô, CH Dân chủ Công-gô, Ga-bông, Xê-nê-gan, Ăng-gô-la và Việt Nam. Nhân dịp này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại, Công nghiệp, Nông nghiệp và các Ngành nghề thành phố Pointe-Noire đã ký Thỏa thuận hợp tác./.

                                                                            Hoàng Đức Nhuận

Vụ Châu Phi Tây Á Nam Á

Nội dung liên quan