Trả lời câu hỏi chất vấn của các Đại biểu Quốc hội trong phiên họp chiều ngày 4⁄6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã gợi mở các giải pháp quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu thời gian tới, trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống logistics và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu trực tuyến
Trả lời chất vấn của Đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn Hậu Giang; Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn Phú Yên về quản lý hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) qua thương mại điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Quản lý hoạt động xuất khẩu thông thường đã khó thì quản lý hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử còn khó hơn gấp nhiều lần.
(Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn ngày 04/6/2024)
Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã tích cực tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội để ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong năm 2023 và phê duyệt Đề án Chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.
Tham mưu chính sách quản lý thông tin giao dịch thương mại điện tử đối với hàng xuất nhập khẩu, cụ thể là trình Chính phủ Nghị định 85/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử, theo đó yêu cầu công bố thông tin các website thương mại điện tử quy định quản lý thông tin và chất lượng hàng hóa trên các sàn giao dịch. Đặc biệt, chú trọng đến trách nhiệm của cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ và bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Tăng cường đẩy mạnh cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành và địa phương. Kết nối dữ liệu giữa Bộ Công Thương với Tổng Cục thuế để trao đổi dữ liệu về thương mại điện tử ngay trong tháng 6/2024.
Ban hành cơ chế giám sát hoạt động đầu tư nước ngoài trong thương mại điện tử, phối hợp tham mưu Chính phủ đưa thương mại điện tử là ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài trong Luật Đầu tư; giám sát chặt chẽ các hoạt động mua bán, thâu tóm doanh nghiệp trong nước của các sàn thương mại điện tử lớn bao gồm cả sàn thương mại điện tử có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.
“Trong thời gian tới, để tăng cường quản lý giao dịch thương mại điện tử đối với hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử. Cụ thể là tách bạch luồng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử; bỏ quy định về miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới một triệu đồng; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát về nguồn gốc, xử lý để tránh hàng giả, hàng kém chất lượng nhập khẩu qua thương mại điện tử”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.
Về nội dung thương mại xuyên biên giới đặt ra nhiều rủi ro đối với nền kinh tế và doanh nghiệp được đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Để kiểm soát hàng nước ngoài ồ ạt vào chiếm lĩnh thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã khuyến nghị các doanh nghiệp và người sản xuất trong nước cần phải chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, đồng thời đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt và thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu trực tuyến.
Thường xuyên tổ chức các cuộc thanh, kiểm tra, kiểm soát về nguồn gốc, xuất xứ để tránh hàng giả, hàng kém chất lượng nhập khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Triển khai nhiều giải pháp phát triển dịch vụ logistics
Về giải pháp của Ngành, theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định về quản lý hải quan; sửa đổi quy định miễn thuế giá trị gia tăng; có cơ chế, chính sách khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp về sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt; tăng cường kiểm soát nguồn gốc xuất xứ; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng xuất khẩu trực tuyến thông qua khu vực biên giới.
Bộ Công Thương cũng đề xuất Chính phủ có cơ chế ưu đãi về tín dụng, về thuế cho doanh nghiệp để có thể xây dựng được kho bãi, trung tâm, logistics ở khu vực biên giới. Về phía địa phương nên dành quỹ đất hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kho ngoại quan, hạ tầng logistics để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu hàng hóa từ bên ngoài, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm và chú trọng xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác đạt được các tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu.
Bộ trưởng cũng khẳng định, dịch vụ logistics có vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của doanh nghiệp. Với nhận thức đó, trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp để phát triển dịch vụ logistics giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh và đạt được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, hoạt động này còn một số hạn chế, đó là nhận thức về vai trò, vị trí logistics còn khác nhau dẫn đến triển khai không đồng bộ. Cùng đó, một số quy định chồng chéo và chưa phù hợp. Cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư xứng đáng.
Trong thời gian tới, thứ nhất, Bộ sẽ tiếp tục trình Chính phủ Chiến lược phát triển logistics trong giai đoạn tới, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối trong nước và quốc tế.
Thứ hai, phát triển dịch vụ logistics gắn liền với phát huy tối đa lợi thế về địa lý và điều kiện tự nhiên của mỗi vùng.
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số chuyển đổi xanh và hội nhập quốc tế.
Thứ tư, xây dựng cái đội ngũ nhân lực đủ sức để đáp ứng yêu cầu của ngành này phát triển trong tương lai, phù hợp với hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh; chủ động đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Thường xuyên cập nhật tình hình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa và kịp thời khuyến cáo để các địa phương, hiệp hội chủ động ứng phó và điều hành, hạn chế tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu và thông quan; đẩy mạnh công tác xúc tiến phát triển thị trường, kết hợp giữa các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.
4 giải pháp giúp doanh nghiệp khai thác hiệu quả các FTA
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông liên quan đến giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về xuất khẩu trước mắt cũng như lâu dài, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Giải pháp trước mắt cho doanh nghiệp là khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA).
Về lâu dài, thứ nhất, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp hiểu đúng, hiểu rõ hơn những quy định của các FTA mà Việt Nam là thành viên để có thể khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định này.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định cho phù hợp với diễn biến thực tế và kinh nghiệm của quốc tế thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp tăng tỷ trọng xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, tạo nguồn hàng chất lượng cao, ổn định giá cả cạnh tranh, thúc đẩy các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn kết nối, chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị cho doanh nghiệp trong nước để phát triển hoạt động xuất nhập khẩu.
Thứ ba, đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do và đẩy mạnh phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử. Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết các hiệp định liên kết kinh tế mới, nhằm khai mở thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Cuối cùng, tăng cường hỗ trợ thông tin, cảnh báo và hướng dẫn doanh nghiệp ứng phó, bảo vệ lợi ích trong các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài.