| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Gia vị và hương liệu của Việt Nam là nguồn cung quan trọng cho thị trường xuất khẩu toàn thế giới

Theo thống kê của Hiệp hội Gia vị thế giới về xuất khẩu nông sản Việt Nam, Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 3 thế giới về sản lượng quế và vị trí thứ 2 sau Trung Quốc về sản lượng hoa hồi. Quế và hoa hồi được tiêu thụ mạnh ở các thị trường Ấn Độ, Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước châu Âu với tổng doanh thu xuất khẩu đạt khoảng 400 triệu USD/năm.

Điểm sáng ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam
Theo đại diện công ty xuất nhập khẩu VNUP Export, các nước có ngành công nghiệp chế biến phát triển, quế và hồi là nguyên liệu chính cho sản xuất các mặt hàng mỹ phẩm và dược phẩm.
Tại Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ quế và hoa hồi còn tương đối khiêm tốn so với tiềm năng, tuy nhiên các loại cây này đang là sinh kế bền vững cho hơn 200.000 gia đình thuộc đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa.

(Các sản phẩm hương liệu, gia vị xuất khẩu của Việt Nam)

Thị trường xuất khẩu chủ lực của quế và hồi nước ta chủ yếu ở khu vực châu Á (như Ấn Độ, Bangladesh, Đài Loan - Trung Quốc…) và các nước thuộc Liên minh châu Âu - EU. Trước xu hướng gia tăng về nhu cầu nguyên liệu trong ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm và dược phẩm… cùng với nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, các sản phẩm từ quế, hồi Việt Nam có thêm động lực và thời cơ để phát triển.


Sản phẩm quế và hoa hồi xuất khẩu
Ngoài Vietnam cinnamon (quế Việt Nam), star anise (hoa hồi) thì trong số các loại gia vị của Việt Nam, hồ tiêu cũng là một gia vị rất nổi tiếng và lượng tiêu thụ cực kỳ lớn trên thị trường xuất khẩu thế giới, chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao.

(Sản phẩm quế và hoa hồi xuất khẩu)

Theo thống kê, sản lượng hồ tiêu Việt Nam đứng thứ nhất trên thế giới và chiếm 35% sản lượng toàn cầu, xuất khẩu sang 110 quốc gia. Trong vòng 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu được 125.553 tấn hồ tiêu đạt kim ngạch 568,8 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, mặc dù lượng hồ tiêu xuất khẩu giảm đến 19% nhưng giá trị lại tăng tới 13,5% do giá xuất khẩu đã được cải thiện.
Diện tích trồng hồ tiêu tại Việt Nam năm 2020 đạt 130.838 ha tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bình Phước, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu... Tuy vậy, diện tích này có thể giảm đi trong năm 2022, sản lượng hồ tiêu ước đạt 175.000 tấn, giảm 10% so với năm 2021.


Trung Đông và châu Phi là thị trường xuất khẩu tiềm năng lớn
Trung Đông và châu Phi là các khu vực khá rộng lớn với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, là trung tâm trung chuyển hàng hóa đi đến các khu vực xung quanh. Khu vực này có quy mô lớn và mức độ phát triển đô thị hóa nhanh, đây là môi trường thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam có thể liên kết, hợp tác mở rộng xuất khẩu, đầu tư.
Bên cạnh đó, tại châu Phi có nhiều quốc gia nằm sâu trong lục địa thường xuyên chịu ảnh hưởng của khí hậu sa mạc nên rất khó khăn trong trồng trọt và sản xuất lương thực thực phẩm. Vì vậy nhu cầu nhập khẩu của khu vực này rất lớn.  

(Các sản phẩm gia vị xuất khẩu sang khu vực Trung Đông và châu Phi)

Trung Đông và châu Phi được đánh giá là thị trường có tiềm năng lớn về nhu cầu nhập khẩu, tiêu chuẩn chất lượng ít khắt khe hơn so với thị trường châu Âu. Việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nói chung và các sản phẩm gia vị nói riêng sang thị trường đang còn nhiều tiềm năng này là một hướng đi phù hợp đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.


Đề phòng rủi ro
Mặc dù là khu vực có tiềm năng lớn, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ những rủi ro họ phải đối mặt khi xuất khẩu sang thị trường Trung Đông và châu Phi, nhất là rủi ro về thanh toán. Nhiều đối tác thanh toán chậm, không có khả năng thanh toán hoặc rủi ro về tỷ giá.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng gặp rủi ro trong tranh chấp về hợp đồng mua bán như khối lượng, thời gian giao hàng, trọng lượng hàng hóa; tranh chấp liên quan đến chủ thể của hợp đồng do người ký kết hợp đồng không có năng lực nhập khẩu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý một số vấn đề về văn hoá, tín ngưỡng địa phương. Đại đa số người dân tại Trung Đông và một số khu vực tại châu Phi theo đạo Hồi nên các loại thực phẩm ăn uống đều phải đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn Halal. Chứng nhận Halal được ví như giấy “thông hành” để các sản phẩm của Việt Nam tiêu thụ tại các thị trường Hồi giáo này.
Hàng rào thuế quan và các quy định nhập khẩu cũng là một lưu ý lớn cho các doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu nông sản vào thị trường này. Ví dụ, tại UAE thuế quan được thay đổi liên tục, vì vậy doanh nghiệp cần cập nhật những nội dung này trước khi xuất khẩu hàng hóa. Thuế quan đối với mọi hàng hóa nhập khẩu là 5% (trừ một số hàng dược phẩm), tỷ lệ 50% đối với xuất  khẩu rượu và 100% đối với thuốc lá.
Đối tác UAE bao giờ cũng yêu cầu thanh toán TT, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tính từ đầu năm đến nay, thương vụ giữa doanh nghiệp Việt và UAE đã gặp hơn 30 vụ lừa đảo liên quan tới việc thanh toán TT. Vì vậy đại diện cơ quan Thương vụ khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu sang UAE, tại điều khoản thanh toán trong hợp đồng cần  cố gắng yêu cầu các đối tác sử dụng phương thức thanh toán L/C. Và cần nhờ phía Thương vụ xác minh doanh nghiệp để tiến hành ký hợp đồng, tránh trường hợp xảy ra rủi ro, việc đòi lại tiền rất khó khăn.

 

 

VNE

Nội dung liên quan