Thông tin tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài ngày 29⁄02, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam cho biết, kết quả xuất khẩu gạo năm 2023 đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Theo đó, Việt Nam tiếp tục là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Sản lượng xuất khẩu đạt trên 8,1 triệu tấn, trị giá 4,6 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn.
Xuất khẩu cao nhất trong lịch sử ngành lúa gạo Việt Nam
So với cùng kỳ năm 2022, năm 2023 tăng 14,4% về số lượng và tăng 35,3% về giá trị, giá bình quân tăng 88,8 USD/tấn. Nhiều thời điểm, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.
Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tận dụng tốt cơ hội thị trường từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, UKVFTA…. Cơ cấu thị trường dần chuyển dịch tích cực theo hướng đa dạng hóa, mở rộng sang các thị trường tiềm năng như Úc, châu Âu… với giá trị cao tuy khối lượng chưa lớn.
Đây là kết quả xuất khẩu cao nhất trong lịch sử ngành lúa gạo Việt Nam kể từ khi tham gia xuất khẩu năm 1989.
Tuy nhiên, theo ông Nam, hiệu quả kinh doanh của thương nhân bị hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng này là do chính sách xuất nhập khẩu gạo của các quốc gia lớn trên thế giới thay đổi đột ngột cùng với hiện tượng thời tiết El Nino và xung đột địa chính trị - đã chi phối tâm lý của người mua lẫn người bán, từ thị trường trong nước cho đến quốc tế.
Từ đó dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung, áp lực nhập khẩu gia tăng, đẩy giá thế giới tăng liên tục và giá gạo trong nước theo đó cũng tăng cao trong suốt năm vừa qua. Mức tăng giá trong nước thậm chí còn cao hơn so với mức tăng giá xuất khẩu, đây là năm được mùa được giá của người nông dân.
Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, tình hình thị trường thương mại gạo toàn cầu diễn biến quá nhanh, động thái chính sách của một số nước sản xuất, xuất khẩu gạo đưa ra đã ảnh hưởng không tốt đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, gây tác động tâm lý chung đến thị trường.
Bản thân các thương nhân chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Ngoài ra, thị trường nhập khẩu vẫn chưa đa dạng, vẫn phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống trọng điểm như Philippines, Trung Quốc và Indonesia…
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường
Đề xuất giải pháp phát triển thị trường gạo trong năm 2024, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương tăng cường công tác thông tin số liệu xuất khẩu để công tác cân đối cung cầu mặt hàng gạo của các bên có liên quan được thuận lợi hơn.
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, đánh giá, dự báo nhu cầu nhập khẩu và khả năng tiến hành xúc tiến thương mại gạo vào các thị trường nhập khẩu. Kịp thời cập nhật thông tin cho hiệp hội và các thương nhân xuất khẩu gạo để phục vụ cho định hướng kinh doanh, xuất khẩu.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của thương nhân về các quy định tại các hiệp định thương mại tự do để tận dụng tối đa lượng hạn ngạch thuế quan dành cho gạo Việt Nam.
Ngoài ra, cần nghiên cứu việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận ưu đãi thương mại với một số thị trường xuất khẩu tiềm năng. Tận dụng tiến trình rà soát các hiệp định đã được đưa vào thực thi để đề nghị các đối tác mở cửa thêm, gia tăng hạn ngạch cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Phùng Văn Thành - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines khuyến nghị doanh nghiệp đa dạng các mặt hàng gạo xuất khẩu, không chỉ quá tập trung vào các sản phẩm gạo có chất lượng cao phục vụ cho người có thu nhập cao, mà cần khai thác tiềm năng của các loại gạo chất lượng trung bình để phục vụ cho số lượng lớn người dân thu nhập trung bình và thấp.
Doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm đối tác, mở rộng bạn hàng, tăng cường quan hệ và gìn giữ uy tín trong kinh doanh với các đối tác, bạn hàng, xây dựng các mối quan hệ bạn hàng truyền thống và bền vững.
Ông Phạm Thế Cường - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia – quốc gia nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam dự báo, Chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục sớm mở thầu mua thêm gạo, ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17/1 vừa qua, trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường tiềm năng này.