Ngày 24 tháng 10 năm 2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) nhận hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) với sản phẩm vỏ viên nhộng cứng nhập khẩu từ Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Trong vụ việc này, mặt hàng nói trên từ cả 4 nước đều bị đề nghị điều tra cả CBPG và CTC.
1. Thông tin chung về vụ việc
- Sản phẩm bị đề nghị điều tra: một số sản phẩm vỏ viên nhộng cứng (mã HS 9602.00.1040 và 9602.00.5010).
- Mã vụ việc: A-552-847 và C-552-848.
- Nguyên đơn: Công ty TNHH Lonza Greenwood.
- Ngày nhận đơn: Ngày 24 tháng 10 năm 2024.
- Doanh nghiệp xuất khẩu bị cáo buộc bán phá giá và được trợ cấp: Nguyên đơn nêu tên 02 công ty của Việt Nam.
- Thời kỳ điều tra CBPG đề xuất: Tháng 4/2024 -Tháng 9/2024
- Thời kỳ điều tra CTC đề xuất: Năm 2023
- Thời kỳ điều tra thiệt hại đề xuất: Tháng 1/2021 - Tháng 6/2024
- Kim ngạch xuất khẩu: Theo nguyên đơn, tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng từ Việt Nam trong năm 2023 là khoảng 26 triệu USD; Trung Quốc là 49 triệu USD, Ấn Độ là 67 triệu USD và Brazil là 4 triệu USD. Theo số liệu của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC), lượng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm khoảng 12% tổng lượng nhập khẩu sản phẩm bị yêu cầu điều tra vào Hoa Kỳ.
1.1. Thông tin cáo buộc bán phá giá:
- Biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam: Nguyên đơn đề xuất mức thuế CBPG với Việt Nam là 65,97% đến 89,33%.
- Nước và giá trị thay thế: Do Hoa Kỳ coi Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường, nên DOC sẽ sử dụng các giá trị thay thế của quốc gia thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam. Trong vụ việc này, nguyên đơn đề nghị sử dụng In-đô-nê-xi-a là quốc gia thay thế do cho rằng In-đô-nê-xi-a có mức độ phát triển kinh tế tương đồng với Việt Nam và có số lượng đáng kể các nhà sản xuất vỏ viên nhộng cứng (In-đô-nê-xi-a nằm trong danh sách các nước thay thế mới nhất do DOC ban hành cho Việt Nam). Các bên có thời hạn bình luận về nước thay thế trong vòng 30 ngày trước khi DOC ban hành kết luận sơ bộ của vụ việc.
1.2. Thông tin cáo buộc trợ cấp
Nguyên đơn cáo buộc các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu đĩa giấy Việt Nam đã nhận được 23 chương trình trợ cấp từ Chính phủ, gây thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất vỏ viên nhộng cứng của Hoa Kỳ. Các chương trình trợ cấp bị cáo buộc thuộc các nhóm:
(1) Nhóm các chương trình cho vay và đảm bảo: gồm các chương trình cho vay ưu đãi, bao thanh toán, bảo lãnh xuất khẩu với lãi suất và điều khoản ưu đãi của 04 ngân hàng thương mại cổ phẩn có vốn nhà nước (Agribank, Vietinbank, Vietcombank và BIDV) do các ngân hàng này chịu sự can thiệp của Chính phủ; chương trình tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và các chương trình hỗ trợ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
(2) Chương trình tài trợ: gồm các chương trình tài trợ xúc tiến xuất khẩu và hỗ trợ đầu tư.
(3) Nhóm các chương trình ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: gồm các chương trình ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp xuất khẩu, cho các doanh nghiệp nằm trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, cho các doanh nghiệp nằm trong địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, cho các nhà đầu tư mới và chương trình khấu hao nhanh.
(4) Nhóm các chương trình miễn thuế nhập khẩu: gồm các chương trình miễn thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu dùng để sản xuất hàng xuất khẩu, hoàn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu thô dùng để sản xuất hàng xuất khẩu, miễn thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu vào khu công nghiệp, miễn thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu nhập khẩu cho doanh nghiệp chế xuất và nằm trong khu chế xuất.
(5) Nhóm các chương trình ưu đãi về đất: gồm các chương trình miễn giảm tiền thuê/thuế hoặc phí thuê đất và mặt nước cho các ngành được khuyến khích, doanh nghiệp trong khu công nghiệp và khu kinh tế, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
(6) Chương trình cung cấp tiện ích với mức giá ưu đãi trong các khu công nghiệp và khu chế xuất: gồm các chương trình cung cấp các tiện ích điện, nước và các tiện ích khác cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp và khu chế xuất với mức giá ưu đãi.
(7) Chương trình trợ cấp từ Chính phủ Hàn Quốc: Chương trình bảo đảm thực hiện hợp đồng của Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc. Đây là chương trình bị cáo buộc trợ cấp xuyên quốc gia căn cứ theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 24 tháng 4 năm 2024 của Hoa Kỳ.
2. Quy trình thủ tục điều tra tiếp theo:
Theo quy định điều tra của Hoa Kỳ, có 02 cơ quan tham gia trong một vụ việc điều tra CBPG và CTC: DOC điều tra về hành vi bán phá giá và trợ cấp và chịu trách nhiệm chung về kết quả điều tra trong khi ITC chịu trách nhiệm đánh giá thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Sản phẩm chỉ bị áp thuế CBPG/CTC nếu cả 02 cơ quan đều ban hành kết luận khẳng định. Nếu như trong vụ việc CBPG, chỉ có doanh nghiệp xuất khẩu là đối tượng bị điều tra thì trong vụ việc CTC, Chính phủ cũng là đối tượng bị điều tra.
Quy trình thủ tục vụ việc điều tra CBPG và CTC như sau:
Bước 1: Chính phủ nước bị điều tra (Việt Nam) tham vấn với DOC về đơn đề nghị điều tra CTC;
Bước 2: DOC có 20 ngày để xem xét đơn đề nghị điều tra và ban hành quyết định khởi xướng/hay không khởi xướng điều tra, dự kiến ngày 13 tháng 11 năm 2024. Trong một số trường hợp đặc biệt, DOC có thể gia hạn thời gian này lên tổng số 40 ngày;
Bước 3: ITC có 45 ngày kể từ ngày nhận đơn đề nghị để ban hành kết luận sơ bộ về thiệt hại. Trong trường hợp kết luận sơ bộ của ITC là không có thiệt hại, vụ việc sẽ được chấm dứt toàn bộ (tuy nhiên khả năng này thường thấp);
Bước 4: DOC có 140 ngày kể từ ngày khởi xướng để ban hành kết luận sơ bộ về bán phá giá và có 65 ngày kể từ ngày khởi xướng để ban hành kết luận sơ bộ về trợ cấp;
Bước 5: DOC có 75 ngày kể từ ngày ban hành kết luận sơ bộ để ban hành kết luận cuối cùng về bán phá giá/trợ cấp;
Bước 6: ITC có 45 ngày kể từ ngày DOC ban hành kết luận cuối cùng về bán phá giá /trợ cấp để đưa ra kết luận cuối cùng về thiệt hại;
Bước 7: DOC có 07 ngày để ban hành Lệnh áp thuế CBPG/CTC (trong trường hơp kết luận có bán phá giá/trợ cấp và thiệt hại)
(Các mốc thời gian có thể được gia hạn)
3. Kiến nghị
Trên đây là một số thông tin liên quan đến vụ việc nhận hồ sơ đề nghị điều tra CBPG và CTC với sản phẩm vỏ viên nhộng cứng nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước. Để chuẩn bị ứng phó với vụ việc, Cục PVTM khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm liên quan.
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến tiếp theo của vụ việc; chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự, thủ tục điều tra CBPG và CTC của Hoa Kỳ và dự kiến chiến lược kháng kiện phù hợp với doanh nghiệp (trong trường hợp DOC khởi xướng điều tra); đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu;
- Hợp tác đầy đủ với Cơ quan điều tra Hoa Kỳ trong suốt quá trình diễn ra vụ việc. Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Hoa Kỳ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế cáo buộc cao nhất cho doanh nghiệp;
- Chủ động đăng ký tài khoản IA ACCESS tại cổng thông tin điện tử của DOC (https://access.trade.gov/login.aspx) nhằm cập nhật thông tin và nộp các văn bản, tài liệu liên quan tới Cơ quan điều tra Hoa Kỳ;
- Thường xuyên phối hợp, cập nhật thông tin cho Cục PVTM để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Thông tin chi tiết xin liên hệ: Phòng Xử lý PVTM nước ngoài, Cục PVTM, Bộ Công Thương, 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội (Chuyên viên phụ trách: Nguyễn Việt Hà, Điện thoại: 024.7303.7898, Email: hanv@moit.gov.vn, ngocny@moit.gov.vn, Website: http://trav.gov.vn/