Liên minh châu Âu (EU) là thị trường lớn, nhiều tiềm năng cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có quả vải. Cùng với xu hướng ưu tiên sản phẩm hữu cơ (được sản xuất và chế biến theo phương pháp tự nhiên), nhu cầu mặt hàng vải thiều hữu cơ sẽ có nhiều tiềm năng trong thời gian tới tại EU.
Người tiêu dùng ở châu Âu đang nhận thức rõ hơn về các vấn đề sức khỏe và quan tâm nhiều hơn đến chế độ ăn uống, và vải thiều được biết đến là một loại trái cây tốt cho sức khỏe, nên đây sẽ là một trong những yếu tố dẫn đến thành công trên thị trường ngách này.
Để tiếp thị các sản phẩm hữu cơ ở châu Âu, cần phải sử dụng các phương pháp sản xuất hữu cơ theo luật pháp châu Âu và đăng ký chứng nhận hữu cơ với tổ chức chứng nhận được công nhận. Hơn nữa, cần phải sử dụng các phương pháp sản xuất này trong ít nhất hai năm trước khi có thể tiếp thị trái cây và rau quả là hữu cơ.
Sau khi được đánh giá bởi một tổ chức chứng nhận được công nhận, có thể dán logo hữu cơ của EU lên sản phẩm, cũng như logo của tổ chức giữ tiêu chuẩn (ví dụ: Soil Association (đặc biệt có liên quan ở Vương quốc Anh), Naturland (Đức) hoặc Bio Suisse (Thụy Sĩ). Một số tiêu chuẩn này hơi khác một chút, nhưng tất cả đều tuân thủ luật pháp của EU về sản xuất và ghi nhãn hữu cơ.
Về thị yếu tiêu dùng, thì những quả vải có độ chín tối ưu sẽ được người châu Âu dễ lựa chọn hơn. Cụ thể, theo tiêu chuẩn Codex Alimentarius, vải thiều phải đạt yêu cầu về kích thước và màu sắc để chịu được vận chuyển và đến nơi vẫn trong tình trạng tốt. Kích thước tối thiểu của hạng đặc biệt là 33 mm, màu sắc quả vải có thể thay đổi từ hồng sang đỏ trong trường hợp vải chưa quả xử lý, từ màu vàng nhạt sang màu hồng đối với vải đã được xông hơi bằng khí sunfurơ.
Về kênh phân phối, có sự khác biệt giữa các thị trường khác nhau trong châu Âu. Các nước phía bắc như Đức, Anh, Hà Lan và Bỉ có kênh bán lẻ rất thống trị và trái cây nhiệt đới được bán trong các siêu thị lớn. Pháp và Tây Ban Nha sẽ ưu tiên các đại siêu thị lớn, bên cạnh các cửa hàng chuyên dụng nhỏ hơn. Các quốc gia như Thụy Sĩ và Áo, ưu ái hơn đối với các cửa hàng nhỏ ở địa phương. Ngoài ra, vải thiều có thể được giới thiệu tại các cửa hàng trái cây tươi chuyên biệt, hoặc các nhà hàng về món ăn châu Á . Người tiêu dùng châu Âu đang dần trở nên quen thuộc hơn với các món ăn châu Á (và các nước khác). Điều này làm gia tăng thị trường cho nông sản nói chung và vải thiều nói riêng.