| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong ngành dệt may trước biến động toàn cầu

Ngày 25 tháng 3 năm 2025, tại Mumbai, Ấn Độ, Hội thảo dệt may châu Á lần thứ 12 (ATEXCON) đã diễn ra với chủ đề “Châu Á dẫn dắt tăng trưởng Toàn cầu”, thu hút sự tham gia của nhiều nhà hoạch định chính sách, chuyên gia và doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dệt may khu vực.

Đại diện cho phía Việt Nam, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã tham dự và phát biểu tại sự kiện này.

Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã nhấn mạnh tiềm năng to lớn trong hợp tác dệt may giữa Việt Nam và Ấn Độ, đặc biệt trong bối cảnh Hoa Kỳ áp dụng các chính sách thuế đối ứng có khả năng ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động xuất khẩu của cả hai nước sang thị trường Mỹ.

Theo ông Bùi Trung Thướng, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu dệt may đứng thứ ba thế giới với kim ngạch đạt 44 tỷ USD năm 2024, trong khi Ấn Độ lại là nhà cung ứng nguyên liệu thô hàng đầu, đặc biệt là bông và sợi bông. Việt Nam hiện đang phụ thuộc 65% nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, do đó tăng cường nhập khẩu cotton và sợi từ Ấn Độ không chỉ giúp đa dạng hóa nguồn cung mà còn làm giảm chi phí nguyên liệu từ 22–27% nhờ ưu đãi thuế trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA).

Để thúc đẩy hợp tác, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đưa ra ba sáng kiến cụ thể: (i) Thành lập Quỹ đầu tư chung 500 triệu USD nhằm xây dựng các nhà máy kéo sợi tại phía Nam Ấn Độ và phía Bắc Việt Nam, cùng trung tâm nghiên cứu vải thông minh tại TP. Hồ Chí Minh và Bangalore; (ii) Ký kết Hiệp định Thuế Ưu Đãi Song phương giúp doanh nghiệp hai nước giảm chi phí xuất nhập khẩu và tăng tính cạnh tranh; (iii) Xây dựng Quỹ Đổi mới Sáng tạo Dệt may Việt Nam - Ấn Độ (VITEX) để tài trợ cho các dự án nghiên cứu chung về công nghệ xanh, dệt kỹ thuật và vật liệu tái chế.

Ấn Độ hiện có nhu cầu lớn về vải polyester cao cấp khoảng 1,2 tỷ USD/năm, trong khi Việt Nam có thể nhập khẩu máy dệt không thoi từ Ấn Độ, loại máy có giá rẻ hơn 30-40% so với máy nhập khẩu từ châu Âu. Việc tận dụng thế mạnh công nghệ và nhu cầu thị trường bổ trợ sẽ tạo ra các chuỗi cung ứng hai chiều hiệu quả.

Chính sách thuế đối ứng mới của Hoa Kỳ sẽ làm gia tăng chi phí xuất khẩu dệt may cho cả Việt Nam và Ấn Độ. Điều này đòi hỏi hai nước phải nhanh chóng thích ứng thông qua chiến lược hợp tác khu vực để giảm thiểu rủi ro từ thị trường truyền thống và mở rộng sang các thị trường FTA như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc, phát biểu của ông Thướng đã gửi một thông điệp rõ ràng “Hợp tác Việt Nam - Ấn Độ không chỉ là cơ hội, mà là chiến lược sinh tồn để cả hai cùng vượt qua những biến động và dẫn đầu làn sóng tăng trưởng xanh, bền vững trong ngành dệt may toàn cầu”.

Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ

Nội dung liên quan