Ngành dệt may và da giày cần điều chỉnh để đáp ứng các yêu cầu đầy tham vọng của Liên minh châu Âu vì mục tiêu loại bỏ văn hóa “tiêu thụ và vứt bỏ”, loại bỏ các sản phẩm có “vòng đời ngắn”, và nền kinh tế “tạo rác”.
Vào cuối tháng 3/2022, Ủy ban châu Âu đã trình bày đề xuất đối với Chiến lược Dệt may mới của EU, là một phần trong kế hoạch hành động lớn hơn về một nền kinh tế tuần hoàn.
Nền kinh tế tuần hoàn là một phần của Thỏa thuận Xanh châu Âu nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, và ô nhiễm môi trường.
Đồng thời với Chiến lược Dệt may, Ủy ban châu Âu đã trình bày một bản sửa đổi Quy định thiết kế sinh thái, nhằm đặt ra các yêu cầu pháp lý đối với các nhóm sản phẩm khác nhau, bao gồm cả quần áo và giày dép. Dệt may là một trong những nhóm sản phẩm đầu tiên phải tuân theo các tiêu chí thiết kế sinh thái, trong khi ngành da giày phải đáp ứng các yêu cầu ở giai đoạn sau.
Tại sao lại là chiến lược dệt may?
Sản xuất và tiêu thụ hàng dệt may tiếp tục phát triển sẽ tác động đến khí hậu, tiêu thụ nước và năng lượng, và môi trường. Sản lượng dệt may toàn cầu gần như tăng gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2015 và tiêu thụ quần áo và dệt may dự kiến tăng 63% vào năm 2030, đạt mức 102 triệu tấn vào năm 2030 từ mức 62 triệu tấn hiện nay.
(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)
Tại EU, tiêu thụ hàng dệt may, tính trung bình, đứng thứ tư trong các ngành có tác động tiêu cực đối với môi trường và biến đổi khí hậu và đứng thứ ba trong việc tiêu thụ nước và sử dụng đất. Ngoài ra, hiện có xu hướng sử dụng hàng dệt may trong thời gian rất ngắn trước khi vứt bỏ cũng ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Hàng năm, ở EU có khoảng 5,8 triệu tấn hàng dệt may bị loại bỏ, tương đương với 11kg/người.
Do vậy, EU đã thay đổi cách tiếp cận đối với các thách thức về tính bền vững và bằng việc loại bỏ các luật mềm như hướng dẫn quốc tế để chuyển sang các luật cứng như qui định và chỉ thị có tính ràng buộc pháp lý.
Chiến lược dệt may và Quy định thiết kế sinh thái là gì?
Chiến lược này bao gồm nhiều yếu tố để tạo ra động lực cho ngành dệt may, chẳng hạn, các sản phẩm phải được thiết kế và sản xuất để chúng có thể sử dụng lâu hơn, có thể được sửa chữa và sau đó được tái sử dụng - nói cách khác, nằm trong một vòng tuần hoàn.
Ngoài các tiêu chí thiết kế, Quy định thiết kế sinh thái còn bao gồm việc phát triển hộ chiếu sản phẩm số, ngoài thông tin thông thường, còn phải thông báo cho người tiêu dùng biết về hàm lượng hóa chất, khả năng sửa chữa, và thành phần sợi. Các yêu cầu thông tin cụ thể về sản phẩm sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng biết được tác động của sản phẩm đến môi trường khi mua hàng. Một yếu tố nữa là tăng cường thực thi việc bài trừ các hành vi quảng cáo sai lệch về thời trang bền vững “greenwashing”. Đây là hành vi mà các thương hiệu thời trang hay sử dụng để tiếp thị sản phẩm là thời trang bền vững nhưng lại không thực thi các qui chuẩn nghiêm ngặt của thời trang bền vững.
Đề xuất cũng bao gồm các biện pháp chấm dứt việc tiêu hủy hàng tiêu dùng tồn đọng, cũng như mở rộng hoạt động mua sắm công xanh và cung cấp các ưu đãi cho các sản phẩm bền vững.
Quy định thiết kế sinh thái có hiệu lực khi nào?
Quy định thiết kế sinh thái cuối cùng phải được Nghị viện và Hội đồng châu Âu thông qua, dự kiến vào cuối năm 2023, trước khi các tiêu chí đầu tiên cho các nhóm sản phẩm khác được xác định, dự kiến vào năm 2024.
Trong năm nay, Ủy ban châu Âu sẽ thành lập diễn đàn các bên liên quan để thảo luận chi tiết về chiến lược.
Ngành dệt may trong tương lai?
Theo đánh giá của các chuyên gia, đến năm 2030, các sản phẩm dệt may được đưa vào thị trường EU có tuổi thọ cao và có thể tái chế, được làm chủ yếu từ sợi tái chế, không chứa các chất độc hại và được sản xuất đáp ứng các quyền về xã hội và môi trường. Người tiêu dùng được hưởng lợi từ hàng dệt may chất lượng cao với giá cả phải chăng, thời trang nhanh không còn là mốt, và các dịch vụ sửa chữa và tái sử dụng được phổ biến rộng rãi.
Các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình trong chuỗi giá trị, kể cả khi chúng trở thành chất thải. Hệ sinh thái hàng dệt may tuần hoàn đang phát triển mạnh, được thúc đẩy bởi năng lực tái chế sợi thành sợi sáng tạo, trong khi việc đốt và chôn lấp hàng dệt may được giảm đến mức tối thiểu.
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may và giày dép Việt Nam cần nghiên cứu và đổi mới, đi tắt, đón đầu các xu hướng để bứt phát thành công.