Ngày 12/10, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia cùng với Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển đã tham dự cuộc gặp mặt giao lưu, kết nối mạng lưới doanh nhân kiều bào toàn cầu.
Cuộc gặp mặt được đồng tổ chức bởi Ủy ban Nhà nước về NVNONN (Bộ Ngoại giao) và Hội Liên lạc với NVNONN, Hiệp hội Doanh nhân VNONN và Liên hiệp các Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu, tổ chức Chương trình kết nối, giao lưu trực tuyến với Chủ tịch các Hội Doanh nhân kiều bào tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, cùng với đại diện một số doanh nghiệp và địa phương trong nước, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Phát biểu khai mạc, chào mừng các doanh nhân kiều bào trên thế giới tham dự buổi giao lưu trực tuyến, ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân VNONN cho biết, đến nay cộng đồng NVNONN có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cộng đồng ở nhiều nơi đã chuyển từ “an cư” sang “lạc nghiệp” và phát triển, được chính quyền và nhân dân sở tại ghi nhận, đánh giá là một nguồn lực cho sự phát triển. Dù ở nơi đâu, NVNONN luôn là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
(Hội nghị Doanh nhân Việt Nam toàn Thế giới)
Với tinh thần đó, hơn 10 năm qua, Hiệp hội Doanh nghiệp VNONN không ngừng được mở rộng, phát triển, góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ... góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Ông Peter Hồng mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nhân VNONN nhằm kết nối các doanh nhân Việt Nam trên toàn thế giới; kêu gọi, thu hút các nguồn lực của cá nhân và tập thể doanh nghiệp NVNONN về xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, phát huy vai trò cầu nối kinh tế Việt Nam với thế giới.
Thay mặt Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Phó Chủ nhiệm Ngô Hướng Nam gửi lời chúc mừng tới toàn thể doanh nhân VNONN nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam. Ông cho biết, đây cũng là sự kiện đầu tiên tập hợp được đông đảo chủ tịch, lãnh đạo doanh nhân NVNONN đến từ 29 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự; là sự kiện khởi đầu cho tiến trình gắn kết chặt chẽ doanh nhân kiều bào khắp nơi trên thế giới cũng như kết nối với doanh nhân trong nước.
Ông Ngô Hướng Nam khẳng định, trong mỗi chặng đường phát triển của đất nước luôn có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào ta ở nước ngoài, trong đó có các doanh nhân VNONN. Những năm qua, công tác vận động, phát huy nguồn lực của NVNONN tiếp tục được chú trọng triển khai, trong đó, đang thúc đẩy hình thành Mạng lưới Chủ tịch các Hội Doanh nhân kiều bào. “Việc thành lập và gắn kết chặt chẽ của Mạng lưới Chủ tịch các Hội Doanh nhân kiều bào sẽ tạo nên sức mạnh tập thể, không chỉ kết nối với mạng lưới doanh nhân ở trong nước mà còn tăng cường gắn kết, hợp tác với các bộ ngành, địa phương trên cả nước” - Phó Chủ nhiệm Ngô Hướng Nam nêu.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, Đại sứ Nguyễn Phú Bình- Chủ tịch Hội Liên lạc với NVNONN cũng nhấn mạnh ý nghĩa của buổi giao lưu, kết nối giữa các doanh nhân, hiệp hội doanh nhân VNONN. Ông đồng tình với ý kiến đề xuất của Ủy ban Nhà nước về NVNONN về việc tổ chức chương trình Đoàn doanh nhân kiều bào tiêu biểu trên toàn cầu về nước thúc đẩy hợp tác, kết nối, tìm hiểu cơ hội kinh doanh với các doanh nghiệp, địa phương trong nước. Với vai trò là cánh tay nối dài của Ủy ban, Hội Liên lạc với NVNONN kết nối người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở trong, ngoài nước; tạo điều kiện cho kiều bào gắn bó, tham gia, đóng góp cho quá trình phát triển của đất nước; hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi chính đáng của NVNONN.
Tại buổi giao lưu, các doanh nhân kiều bào đã giới thiệu về doanh nghiệp, lĩnh vực kinh doanh, tình hình hoạt động kinh doanh của cộng đồng người Việt tại nước sở tại; đóng góp các ý kiến nhằm kết nối, hợp tác đưa sản phẩm hàng hóa Việt Nam đến với các thị trường nơi có đông NVNONN sinh sống; tạo chuỗi cung ứng hàng hóa giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp kiều bào, doanh nghiệp kiều bào các nước; vấn đề trao đổi thông tin, dữ liệu về các doanh nghiệp kiều bào trên thế giới; việc dìu dắt doanh nghiệp trẻ, kết nối họ với quê hương đất nước... Đặc biệt các đại biểu mong muốn trong buổi giao lưu kết nối này, các doanh nhân kiều bào ở các quốc gia tham dự có thể kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin.
(Hội nghị doanh nhân Việt Nam toàn Thế giới)
Ông Hoàng Mạnh Huê – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu - cho biết từ khi thành lập năm 2007 đến nay, Liên hiệp đã tạo nên sợi dây kết nối, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, tổ chức 11 diễn đàn và không ngừng tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới. Ông Huê nhấn mạnh, sự kết nối này đều có lợi cho cộng đồng doanh nhân và cho rằng phải nhanh chóng thúc đẩy mạng lưới doanh nhân kiều bào toàn cầu để tăng cường trao đổi thông tin.
Với điểm mạnh thị trường nông sản, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia Trần Bá Phúc chia sẻ: “Thuận lợi là hàng hoá Việt Nam hiện đã được phân phối toàn Australia, cộng đồng người Việt tại đây có gần 400 ngàn người, trong đó có nhiều trí thức, có vị thế ở nước sở tại; mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Australia ngày càng tốt đẹp. Chúng tôi nguyện là cánh tay nối dài để kết nối cộng đồng doanh nhân người Việt có chung nguyện vọng đóng góp tích cực hơn nữa cho đất nước, quê hương mình”.
Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển với sự hỗ trợ của Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đã chính thức được thành lập từ cuối năm 2020, đóng vai trò làm cầu nối và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường Thụy Điển cũng như Bắc Âu. Phát biểu tại cuộc gặp mặt bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm các nước Bắc Âu chia sẻ kinh nghiệm phối hợp với các Hội doanh nghiệp nước sở tại trong việc mở đường cho các sản phẩm mới. “Nhiều sản phẩm, nhất là thực phẩm, chúng tôi chọn cách tiếp cận từ cộng đồng, sau đó lan tỏa ra người tiêu dùng bản địa vì rất nhiều mặt hàng nếu không có kiều bào của chúng ta là những người tiêu dùng đầu tiên thì không người tiêu dùng bản địa nào biết đến. Vì vậy, chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đang được Chính phủ rất quan tâm, muốn đi ra nước ngoài, chỉ có thể thành công nếu có sự chung tay góp sức của Hội doanh nghiệp kiều bào ở các nước. Tôi rất mong các hội hãy lan tỏa tinh thần người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.”
Trong không khí phấn khởi và mong muốn sự kết nối ý nghĩa này càng phát huy hiệu quả, các đại biểu tham dự buổi giao lưu đã thống nhất kế hoạch, thời gian buổi gặp gỡ, kết nối lần tiếp theo (dự kiến sau Tết nguyên Đán 2023).