Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã giúp kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản Việt Nam bứt phá ngoạn mục với gần 11 tỷ USD trong năm 2022.
Kịp thời bắt nhịp với nhu cầu phục hồi tại hầu hết các thị trường, cùng việc tận dụng tốt lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã giúp kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản Việt Nam bứt phá ngoạn mục với gần 11 tỷ USD trong năm 2022.
(2022 là năm thành công của ngành thủy sản Việt Nam)
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết: Năm 2022, ngành thủy sản đã kịp thời bắt nhịp nhu cầu phục hồi mạnh mẽ tại hầu hết các thị trường và sử dụng nguồn nguyên liệu dự trữ từ cuối năm 2021 để đẩy mạnh sản xuất - xuất khẩu thủy sản sang các thị trường, nhất là các thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc với giá xuất khẩu trung bình tăng từ 15 - 60%. Nhờ vậy, chỉ đến hết tháng 11/2022, kim ngạch của ngành đã đạt 10,2 tỷ USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2021 - hoàn thành sớm kế hoạch đề ra cho năm 2022. Trong đó, xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng mạnh 63% đạt gần 2,3 tỷ USD, tôm thu về trên 4 tỷ USD, tăng 14%. Cá ngừ là ngành có tăng trưởng lớn thứ 2 với 40%, đạt 941 triệu USD; mực, bạch tuộc cũng tăng trưởng mạnh 30% đạt 704 triệu USD. Con số trên 10 tỷ USD là kết quả của sự tăng trưởng mạnh 3 quý đầu năm, với thuận lợi nhu cầu thị trường, giá xuất khẩu tăng, nguồn nguyên liệu đủ cung ứng cho đơn hàng.
Đặc biệt, sau khi hàng loạt các FTA thế hệ mới được ký kết thì thủy sản cũng là mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ các FTA này. Do vậy, ngay sau khi các FTA có hiệu lực không chỉ tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu mà còn giúp ngành nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản Việt Nam nâng cao năng lực quản trị, chất lượng để phát triển bền vững. Chính việc các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTA đã hỗ trợ mở rộng xuất khẩu của Việt Nam trên 6 thị trường chủ lực (chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu) là Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó, xuất khẩu sang các nước có Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tăng trưởng 30% trong năm 2022.
Năm 2023, ngành thủy sản sẽ đối mặt với một số thách thức từ thiếu nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Điều này xuất phát từ việc các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận quỹ đất cho nuôi trồng thủy sản, điều kiện cơ sở hạ tầng nuôi cũng chưa được quan tâm phát triển đúng mức, chất lượng con giống… Chưa kể, nhu cầu tiêu thụ của các thị trường sẽ chậm lại do khó khăn về tài chính, khiến cho nhiều nhà nhập khẩu cân nhắc hơn trong việc ký kết các hợp đồng mới.
Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta – khẳng định: Doanh nghiệp thủy sản không thể đứng nhìn khó khăn mà phải tìm ra những giải pháp, sách lược ứng phó. Một trong những giải pháp quan trọng là doanh nghiệp phải tái cơ cấu lại. Theo VASEP, để ngành thủy sản có thể tiếp tục phát triển và tăng trưởng ổn định trong năm 2023, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ ổn định chính sách quy hoạch quỹ đất cho nuôi trồng thủy sản, phát triển thêm các vùng nuôi tiềm năng, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam. Đồng thời có biện pháp hỗ trợ để bình ổn giá các loại vật tư đầu vào cho nuôi thủy sản, đặc biệt là giá thức ăn, con giống nuôi thủy sản; điều chỉnh tỷ giá đồng USD linh hoạt phù hợp, có lợi hơn đối với xuất khẩu.