| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Thủy sản Việt Nam khẳng định vị thế từ chất lượng hướng tới mục tiêu xuất khẩu 14 -16 tỷ USD

Đến nay, Việt Nam đã đạt quy mô xuất khẩu 11 tỷ USD, cùng với Trung Quốc, Na Uy trong nhóm 3 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Những sản phẩm chế biến với giá trị gia tăng cao là hướng đi mà các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lựa chọn để khẳng định vị thế.

xuat-khau-thuy-san-03-1716106600.jpg

Các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng để khẳng định thương hiệu doanh nghiệp, vị thế của thủy sản Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Kiên trì với chiến lược nâng cao chất lượng

Nằm trong Top 3 quốc gia xuất khẩu thủy sản đứng đầu thế giới, thủy sản Việt Nam luôn khẳng định với thế giới bằng chất lượng. Trong bối cảnh nhu cầu thủy sản thế giới vẫn thấp, sản phẩm giá trị gia tăng có những cái khó riêng song doanh nghiệp vẫn kiên trì với sự lựa chọn chiến lược này.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nhiều năm qua là sản phẩm chế biến giá trị gia tăng. Điều này thể hiện ở sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm trong từng ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Điển hình như cá tra, quý 1 năm nay, trong khi cá tra phile đông lạnh xuất khẩu giảm 5%, sản phẩm cá tra chế biến giá trị gia tăng tăng 16% và cá tra khô tăng gần 9%.

Đáng lưu ý, hai dòng sản phẩm phụ là bong bóng cá tra và snack da cá lại ghi nhận mức tăng khả quan; riêng xuất khẩu bóng bóng cá tra tăng 17%. Tương tự, sản phẩm tôm xuất khẩu cũng tập trung tăng trưởng vào dòng sản phẩm tôm bỏ đầu, chừa đuôi. Đối với cá ngừ, dòng sản phẩm đóng hộp có mức tăng trưởng mạnh nhất với mức tăng 48% so với cùng kỳ. Tại các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, sản phẩm giá trị gia tăng là lợi thế của Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm nay đạt 2,68 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt là mặt hàng tôm đạt 937 triệu USD, tăng 5,9%.

VASEP cho hay sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng chiếm từ 40-45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Trình độ chế biến chung của các doanh nghiệp tôm Việt thuộc mức cao trên thế giới và đây là một lợi thế cạnh tranh của tôm Việt tại thị trường Nhật Bản.

xuat-khau-thuy-san-02-1716106642.jpg

Tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm nay đạt 2,68 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt là mặt hàng tôm đạt 937 triệu USD, tăng 5,9%.(Ảnh minh họa)

Tôm Việt Nam đang dẫn đầu trong thị phần tôm cao cấp ở Nhật Bản. Tuy xuất khẩu thủy sản đang có những kết quả tích cực, nhưng theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, những khó khăn lớn ngành phải đối diện vẫn chưa qua, nhất là trong bối cảnh nhu cầu thị trường thế giới chưa thực sự "ấm” lên.

Tình trạng lạm phát, tồn kho vẫn tiếp tục tác động đến tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản của nhiều thị trường. Mặt hàng xuất khẩu lớn nhất là tôm vẫn phải đối diện với những khó khăn về các loại thuế tại thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ; hay căng thẳng biển Đỏ làm tăng cước vận tải biển…

Trước nỗ lực phát triển cũng như chinh phục thị trường thế giới bằng sản phẩm giá trị gia tăng của thủy sản Việt Nam đang gặp không ít khó khăn khi nhu cầu thị trường ở mức thấp kéo dài thời gian vừa qua.

"Các doanh nghiệp vẫn cần chủ động tìm kiếm các cơ hội để vượt qua thời gian khó khăn này. Đồng thời, phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng để khẳng định thương hiệu doanh nghiệp, vị thế của thủy sản Việt Nam," ông Trương Đình Hòe cho hay.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết thủy sản Việt Nam đã và đang có trình độ chế biến cao với nhiều sản phẩm giá trị gia tăng. Nhiều doanh nghiệp có sự đầu tư công nghệ, thiết bị để gia tăng các sản phẩm chế biến, sản phẩm giá trị gia tăng. Đặc biệt, nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao như dầu ăn, collagen, gelatin… đã được phát triển nhờ kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Vượt thách thức đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản 14 -16 tỷ USD

Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu phát triển chế biến thủy sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.

Phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến đạt trên 6%/năm. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng đạt trung bình trên 40% (trong đó: tôm đạt 60%, cá tra đạt 10%, cá ngừ đạt 70%, mực và bạch tuộc đạt 30%, thủy sản khác đạt 30%). Giá trị chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa đạt 40.000 - 45.000 tỷ đồng. Góp phần vào giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 14 -16 tỷ USD.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cũng đang phải mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Phân tích rõ hơn về điều này, theo Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), một trong những thách thức lớn với thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu là nguồn nguyên liệu không ổn định, giá thành sản xuất cao làm giảm khả năng cạnh tranh.

Ngoài ra, thuỷ sản Việt Nam còn phải đáp ứng các quy tắc xuất xứ hàng hóa vì vậy đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam mới tận dụng được 30% ưu đãi từ FTAs. Đồng thời, bên cạnh việc phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước Trung Quốc, Thái Lan, Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ... thuỷ sản Việt Nam khi xuất khẩu còn phải đối mặt với các rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại như: thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh hay chương trình thanh tra riêng biệt, quy tắc xuất xứ, IUU, quy định về SPS và TBT, môi trường, trách nhiệm xã hội, lao động...

xuat-khau-thuy-san-01-1716106582.jpg

Đến nay, Việt Nam đã đạt quy mô xuất khẩu 11 tỷ USD là một trong 3 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.(Ảnh minh họa)

Trước những khó khăn trên, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản cho biết, đề án trên nhằm đạt vị trí hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản với mục tiêu không chỉ dừng ở tăng sản lượng mà còn tập trung vào chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm.

Tuy nhiên, việc triển khai đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang gặp một số khó khăn, hạn chế đó là thị trường đầu ra một số sản phẩm thủy sản chưa ổn định; sản phẩm thủy sản chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô, đông lạnh mà chưa có thực phẩm chế biến sâu; ngành nuôi biển ở Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản thủy sản, nhất là thủy sản nuôi chưa mang tính bền vững.

Còn theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, doanh nghiệp trong ngành cần tiếp tục củng cố chất lượng thông qua các hoạt động liên quan đến chứng nhận quốc tế. Đồng thời, tập trung vào các vấn đề liên quan đến kinh tế xanh, nhằm xây dựng thương hiệu, khả năng quảng bá sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

“Hiệp hội kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành liên quan xúc tiến thương mại thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Việc này để tìm hướng đi cũng như nắm vững thị trường, hướng đến xuất khẩu thủy sản bền vững", ông Hòe nêu kiến nghị.

Cục trưởng Cục Thuỷ sản Trần Đình Luân khẳng định, “chìa khóa” để đạt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam xuất khẩu đạt 14-16 tỉ USD cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.

“Điều này đòi hỏi sự chuyển đổi từ tập trung vào số lượng sang chất lượng và giá trị. Đây là một thách thức lớn cho cả ngành và đặc biệt là cho các cơ quan quản lý nhà nước. Việc tăng cường chế biến sâu không chỉ giúp tăng giá trị cho các sản phẩm mà còn là cơ hội để Việt Nam chiếm lĩnh thị trường toàn cầu”, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh./.

Vasep

Nội dung liên quan