| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Xuất khẩu rau quả 11 tháng năm nay ước đạt 5,2 tỷ USD

Xuất khẩu rau quả 11 tháng năm nay ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2022, là mức cao nhất từ trước đến nay.

Kết quả này còn giúp nhóm ngành hàng rau quả lần đầu tiên dẫn đầu ngành nông nghiệp, vượt các nhóm chủ lực như gạo, hạt điều, cà phê về kim ngạch xuất khẩu. Theo các dự báo, trong quý 4/2023, nước ta có gần 4 triệu tấn trái cây đến vụ thu hoạch lại là thời điểm mùa lễ hội cuối năm nên xuất khẩu rau quả trong 2 tháng cuối năm còn tăng cao, có thể đạt tới 0,6 - 0,8 tỷ USD.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, xuất khẩu rau quả năm nay tăng mạnh nhờ nhiều vướng mắc được tháo gỡ, cửa khẩu được thông quan thuận lợi. Hơn nữa, rau quả Việt Nam đã và đang ngày càng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nhờ áp dụng các kỹ thuật nuôi trồng hiện đại như canh tác theo VietGap, GlobalGap, Organic… để cải thiện năng suất, chất lượng. Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam còn cho biết, cơ quan chức năng đang đàm phán với Trung Quốc để xuất khẩu 2 mặt hàng là sầu riêng đông lạnh và dừa tươi. Vì thế, nếu không có những biến động tiêu cực, vị này dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả vào năm 2024 sẽ đạt hơn 6 tỷ USD, thậm chí có thể đạt 7 tỷ USD.

Tuy nhiên, con đường xuất khẩu mặt hàng này vẫn còn nhiều “gập ghềnh”, trong đó có hàng rào kỹ thuật phi thuế quan của nhiều thị trường nhập khẩu chủ lực đối với một số mặt hàng rau quả như cà rốt, vải thiều, bắp cải, súp lơ, ớt…

Bên cạnh đó, để tăng giá trị gia tăng cho nông sản, các mặt hàng cần được chế biến và bảo quản tốt hơn. Chẳng hạn, để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, cơ quan quản lý đang dự thảo yêu cầu mặt hàng này phải được chọn lọc thủ công, không chứa tạp chất kim loại; nguyên liệu phải đến từ các vườn trái cây được phía Việt Nam đăng ký; đồng thời phải đóng gói trong bao bì đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật.

Những vấn đề nêu trên đòi hỏi người nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp phải sẵn sàng liên kết sản xuất theo kiểu mới, tạo thành những chuỗi sản xuất để đáp ứng yêu cầu về số lượng nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều này rất cần vai trò của Nhà nước trong việc tiếp tục tạo ra chính sách để khuyến khích, thúc đẩy hợp tác liên kết mạnh mẽ hơn nữa.

Hải quan Việt Nam

Nội dung liên quan