Có thể nói, với dân số đạt gần 120 triệu người, GDP hàng năm đạt trên 400 tỷ USD, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa đa dạng, sản xuất trong nước còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, cộng thêm các điều kiện thuận lợi về khoảng cách địa lý, logistics thì Philippines luôn là thị trường có nhiều tiềm năng và cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Đặc biệt, sản xuất trong nước còn hạn chế và hàng năm nhập siêu lớn chính là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Philippines. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của Philippines đạt 191,6 tỷ USD, xuất khẩu 74,7 tỷ USD, nhập khẩu 116,9 tỷ USD, nhập siêu 42,2 tỷ USD. Năm 2022, tổng kim ngạch XNK của Philippines đạt 216 tỷ USD, xuất khẩu 78,8 tỷ USD, nhập khẩu 137,2 tỷ USD, nhập siêu 58,4 tỷ USD. Năm 2023, tổng kim ngạch XNK của Philippines đạt 199,47 tỷ USD, xuất khẩu 73,52 tỷ USD, nhập khẩu 125,95 tỷ USD, nhập siêu 52,42 tỷ USD. Những quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn vào thị trường Philippines gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Indonesia… và Việt Nam xếp cuối cùng trong danh sách 10 đối tác thương mại lớn của Philippines.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Philippines hàng năm ở mức từ trên 5 tỷ đến 6 tỷ USD chỉ chiếm một tỉ lệ khiêm tốn trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Philippines. Đặc biệt, các mặt hàng nhập khẩu chính của Philippine gồm các sản phẩm điện tử, điện thoại, khoáng sản, phương tiện giao thông, dụng cụ cơ khí, công nghiệp, sắt thép các loại… cũng là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Vì vậy, chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội khai thác và gia tăng kim ngạch xuất khẩu những ngành hàng, mặt hàng này vào thị trường Philippines.
Tuy nhiên, thị trường Philippines cũng là thị trường có nhiều thách thức và rủi ro đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có sự kiên trì và có chính sách quảng bá, marketing và xâm nhập thị trường một cách phù hợp và hiệu quả. Thách thức đầu tiên phải kể đến chính là “tiềm thức” mang tính ý thức hệ của người dân Philippines, người tiêu dùng Philippines đối với các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam. Người dân Philippines vẫn đánh giá cao và ưa chuộng các sản phẩm hàng hóa được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… và còn nhiều “băn khoăn” chưa thật sự tin tưởng, thậm chí vẫn còn có những nhìn nhận, đánh giá chưa đúng, không cao về ngành sản xuất cũng như mẫu mã, chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam, cũng như tiềm năng, uy tín của doanh nghiệp Việt Nam. Thách thức tiếp theo cho các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Philippines là phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm của Trung Quốc và các nước trong khu vực Asean, đặc biệt là Indonesia và Thái Lan. Thông qua cộng đồng thương nhân người Hoa lớn mạnh tại Philippines, nguồn sản phẩm hàng hóa giá rẻ được kiểm soát đảm bảo chất lượng của Trung Quốc đã xâm nhập khá sâu vào thị trường này và là nguy cơ cho các loại sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác trong đó có các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam. Ngoài ra, tại thị trường Philippines, các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam còn phải cạnh tranh với các sản phẩm, hàng hóa từ các quốc gia khác trong khối ASEAN cùng được hưởng những ưu đãi và có điều kiện thuận lợi như Việt Nam, đặc biệt là Indonesia và Thái Lan, hai nước cũng đã xây dựng được mối quan hệ thương mại bền chặt và có nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Philippines. Và thách thức lớn nữa đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Philippines đó là sự “bất ổn” trong các chính sách xuất nhập khẩu và xu hướng mở cửa thị trường của Philippines. Những quy định về trình tự, thủ tục còn rườm rà mang tính “kiểm soát” liên quan tới xuất nhập khẩu hàng hóa là bước cản không hề nhỏ có thể làm nản lòng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hai phía. Ngoài ra, việc Philippines chưa sẵn sàng “mở cửa” thị trường cho một số sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt như hoa tươi, rau, củ, quả tươi, thịt tươi sống… cũng như các quy trình, thủ tục xuất nhập khẩu phức tạp liên quan tới nhóm mặt hàng này cũng là những cản trở đáng kể cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xâm nhập thị trường Philippines. Và cuối cùng, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Philippines cũng đang vấp phải các rào cản mang tính kỹ thuật như việc Philippines điều tra áp dụng thuế phòng vệ thương mại (thuế chống phán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ) đối với một số sản phẩm, hàng hóa có xuất sứ từ Việt Nam cũng là một rào cản và thách thức không nhỏ cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Philippines.