| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Cảnh báo một số hình thức lừa đảo trong giao dịch xuất nhập khẩu

Thời gian gần đây, Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ một số doanh nghiệp xuất và nhập khẩu xác minh đối tác và tránh được các âm mưu lừa đảo mới nhiều thủ đoạn tinh vi.

Cụ thể, một số trường hợp giao dịch nhằm mục đích lừa đảo như sau:

Trường hợp thứ nhất, một doanh nghiệp may túi, ba lô xuất khẩu của Việt Nam nhận được thông tin từ một người từ xưng lãnh đạo một doanh nghiệp tại Thổ Nhĩ Kỳ làm đối tác mua hàng cho một tổ chức từ thiện và mời doanh nghiệp tham gia đấu thầu cung cấp một đơn hàng ba lô lớn. Doanh nghiệp của Việt Nam đánh giá đối tác làm việc khá chuyên nghiệp khi trao đổi các vấn đề trong giao dịch nên hoàn toàn tin tưởng và hợp tác. Sau khi nhận được thông báo trúng thầu kèm theo những tài liệu giả mạo của các tổ chức và cả cơ quan chinh quyền sở tại, doanh nghiệp Việt Nam được đề nghị ký giấy ủy quyền cho một Văn Phòng Luật sư sở tại để làm thay mặt đàm phán các điều khoản hợp đồng với tổ chức mua hàng. Văn Phòng Luật sư cũng đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ký kết hợp đồng dịch vụ với một số tiền và yêu cầu trả trước.  Qua xác minh, Thương vụ nhận thấy các thông tin về doanh nghiệp có nhiều điểm nghi ngờ và không xác minh được đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp sở tại cũng như tổ chức có nhu cầu mua hàng. Tìm hiểu kỹ hơn, Thương vụ nhận thấy toàn bộ thông tin về tổ chức mua hàng là giả mạo từ về tên gọi, địa chỉ giao dịch, số điện thoại … Thương vụ đã kịp thời cảnh bảo doanh nghiệp ngừng giao dịch và chuyển tiền cho đối tác, giúp doanh nghiệp tránh được thiệt hại.

Trường hợp khác, doanh nghiệp Việt Nam nhận được thư hỏi hàng của một doanh nghiệp đối với mặt hàng dầu chiết xuất từ cây hương hiệu do ảnh hưởng của dịch Covid19 tới chuỗi cung ứng, gần như đồng thời doanh nghiệp này cũng nhận được bản chào hàng của doanh nghiệp nước khác có nguồn sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Doanh nghiệp Việt Nam nhận ra cơ hội mua từ Thổ Nhĩ Kỳ và cung cấp sang nước thứ ba và tiến hành giao dịch, tuy nhiên tất cả thông tin đều là giả mạo và ngụy tao rất tinh vi nên doanh nghiệp không dễ dàng nhận ra. Mặt khác, đối tượng vừa đảo cũng ngụy tao thông tin về mặt hàng kinh doanh, tạo ra những điều kiện giao dịch hạn chế, khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam xác minh như yêu cầu bảo mật thông tin .v.v. Tuy nhiên, chỉ khi doanh nghiệp đề nghị Thương vụ xác minh đối tác và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc gặp gỡ đối tác thì các thông tin lừa đảo mới được bóc trần.

Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ khuyến cáo các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam cần lưu ý việc xác minh đối tác kinh doanh trước khi giao dịch, nhất là có các khoản chuyển tiền trước cho đối tác. Ngoài ra, một số dấu hiệu có thể dễ dàng xác minh và kiểm tra là tra cứu địa chỉ của đối tác trên bản đồ trực tuyến (như Google Maps), các trang chủ của doanh nghiệp, đối tác thường có tên miền tại nước sở tại (các tên miền tại Hoa Kỳ như “.com” ít khi được các doanh nghiệp lớn sử dụng). Các doanh nghiệp giao dịch qua dịch vụ email miễn phí, trụ sở giao dịch không có số điện thoại cố đinh, fax và yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản tên cá nhân trong các giao dịch … đều là các yếu tố không đáng tin cậy.

Nội dung liên quan