Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nhờ sản xuất vững chắc trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, Senegal đã có sự phục hồi hoạt động kinh tế sớm hơn dự báo ngay từ cuối tháng 9/2021 mặc dù nước này phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ ba kể từ quý 3/2021.
Tăng trưởng GDP năm 2021 đã được điều chỉnh tăng từ 3,5% lên 5%.Tỷ lệ lạm phát trung bình là 2,5% chủ yếu do tăng giá lương thực, thực phẩm. Chính quyền đã thông qua luật tài chính sửa đổi để bổ sung các khoản chi trên cơ sở quyền rút vốn đặc biệt tại IMF (khoảng 360 triệu USD) và nhu cầu ngày càng tăng về trợ cấp trong lĩnh vực năng lượng. Chính phủ Senegal quyết định sử dụng 2/3 khoản tiền này của năm 2021 để thanh toán các trái phiếu chưa trả, tăng cường lĩnh vực y tế, bảo đảm sản xuất vắc-xin trong nước và bổ sung tiền cho các gia đình gặp khó khăn. Các khoản chi ưu tiên đặc biệt này làm cho thâm hụt ngân sách năm 2021 tăng lên bằng 6,3% GDP. Những viễn cảnh của Senegal về trung hạn là thuận lợi song những bất ổn vẫn cao và rủi ro giảm tăng trưởng vẫn còn hiện hữu. Tăng trưởng GDP sẽ cao hơn, đạt mức 5,5% năm 2022 và đạt đỉnh 10 % năm 2023–24 với việc nước này bắt đầu sản xuất dầu khí, trước khi ổn định quanh ngưỡng 6%. Dự luật tài chính 2022 hướng tới mục tiêu tăng chi ưu tiên cho xã hội và thâm hụt ngân sách ở mức 4,8% GDP. Nhằm kiềm chế nguy cơ tăng nợ công, IMF khuyến nghị Senegal cần tăng các khoản thu trong nước bằng cách tăng cường thực hiện chiến lược huy động các khoản thu trung hạn, giảm dần trợ cấp các sản phẩm dầu khí và điện, sử dụng hiệu quả các khoản chi công cộng để giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 3% GDP đến năm 2024 theo tiêu chí đề ra của Liên minh kinh tế-tiền tệ Tây Phi (mà nước này là thành viên).
Chính quyền Senegal cũng muốn thông qua khung thể chế và pháp lý về quản lý các nguồn thu dầu khí trước năm 2021; tạo điều kiện phát triển lĩnh vực tư nhân, nhất là có nguồn điện chất lượng chi phí thấp, đồng thời thúc đẩy năng lượng xanh, tạo điều kiện cho người dân được vay tín dụng và tiếp cận quỹ đất, tang cường cung cấp các dịch vụ công nhờ số hóa, cải thiện tình trạng việc làm. Chính phủ Senegal cũng sẽ thực hiện các chính sách mang tính lĩnh vực nhằm tạo điều kiện công nghiệp hóa và tạo việc làm thông qua sản xuất các thực phẩm cơ bản và dược phẩm. Cuối cùng, chính quyền cũng cam kết thực hiện cuộc đấu tranh chống rửa tiền và tài trợ khủng bố phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Tình hình ngoại thương Theo Cơ quan thống kê và dân số Senegal, kim ngạch xuất khẩu của nước này 10 tháng đầu năm 2021 đạt 3,96 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm đỗ lạc, vàng, sản phẩm dầu lửa, cá biển tươi, nhuyễn thể, giáp xác, axit phốtphorích và rau tươi.
Các khách hàng lớn nhất của Senegal là Mali, Thụy Sĩ, Bờ Biển Ngà, Ấn Độ, Tây Ban Nha và Hà Lan. Tổng kim ngạch nhập khẩu 10 tháng đầu 2021 là 7,46 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Những mặt hàng nhập khẩu chính là sản phẩm dầu lửa, máy móc, dầu thô, gạo và kim loại thường. Pháp vẫn là nước cung cấp hàng hóa số 1 cho Senegal, tiếp đến là Trung Quốc, Nigeria, Nga và Ấn Độ. Thâm hụt thương mại của Senegal lên tới 3,5 tỷ USD. Xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal 11 tháng đầu năm 2021 Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Senegal đạt 26,76 triệu USD, giảm 25,1% so với cùng kỳ năm 2020. Các mặt hàng có kim ngạch tăng mạnh gồm hàng dệt may, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả, thủy sản, phương tiện vận tải và phụ tùng. Những mặt hàng có kim ngạch giảm gồm có gạo và hạt tiêu. Xuất khẩu gạo giảm mạnh do Senegal có nhu cầu nhập khẩu gạo tấm tỷ lệ cao (đôi khi 100% tấm), nên doanh nghiệp Việt Nam khó đáp ứng. Mặt khác do giá cước công-ten-nơ tăng 4-5 lần nên việc xuất khẩu mặt hàng này sang Senegal bị ảnh hưởng tiêu cực.
Hoàng Đức Nhuận