| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tập đoàn bán lẻ Carrefour của Pháp nhận được đề nghị sáp nhập từ tập đoàn thực phẩm Couche Tard của Canada

Ngày 12/01/2021, trang Bloomberg đã đăng tải thông tin về lời mời sáp nhật vì mục đích “tái thiết” trị giá 16 tỷ euro của Couche-Tard, gã khổng lồ cửa hàng tiện lợi toàn cầu của Canada tới Carrefour, tập đoàn bán lẻ của Pháp. Các cuộc đàm phán mới chỉ ở giai đoạn sơ bộ và Chính phủ Pháp không nắm được thông tin này cho tới khi được đăng tải trên báo chí.
 
Ngày 14/01, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Tài chính Pháp đã lên tiếng về việc không ủng hộ dự án sáp nhập này vì lý do an ninh lương thực. Cụ thể, Bộ trưởng Le Maire cho biết: “Carrefour là một mắt xích thiết yếu trong chủ quyền và an ninh lương thực của Pháp”. Ông cũng nhấn mạnh “tôi không phải là người ủng hộ ý tưởng carrefour được mua lại bởi một tập đoàn nước ngoài". Nguồn tin từ Chính phủ cho biết, thông thường Chính phủ sẽ có ý kiến không chính thức về việc này qua truyền thông (như Bộ trưởng Le Maire vừa thông báo) và các doanh nghiệp sẽ hiểu ý và thay đổi hướng đi. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp vẫn nhất quyết tiến tới một thỏa thuận việc này sẽ có thể khiến họ “tốn nhiều tiền bạc một cách vô ích”. Trên thực tế, Bộ Kinh tế và Tài chính có đầy đủ các công cụ cần thiết để đưa ra quyết định có cho phép hay không một cuộc sáp nhập giữa Carrefour và một đối tác nước ngoài.
 
Để thuyết phục được Chính phủ về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng một cam kết quan trọng về cung cấp việc làm tại Pháp là không thể thiếu, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của Pháp đang tăng cao và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021.
 
Couche-Tard, gã khổng lồ cửa hàng tiện lợi
 
Được thành lập ở Quebec vào năm 1980 chỉ với một cửa hàng, Couche-Tard đã trở thành một gã khổng lồ toàn cầu về hệ thống cửa hàng tiện lợi sau bốn mươi năm. Couche-Tard có mạng lưới hoạt động dưới nhiều thương hiệu khác nhau chủ yếu ở Bắc Mỹ, nhưng cũng có ở Bắc Âu, Mỹ Latinh và Châu Á (Circle K). Couche-Tard đã bắt đầu “chiến dịch” mở rộng của mình từ năm 2000 khi mua lại các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn tại Hoa Kỳ, sau đó phát triển ở Bắc Âu vào năm 2012 với việc mua lại tập đoàn Na Uy Statoil, với giá 2, 8 tỷ USD, năm 2016, Couche-Tard đã đồng ý mua nhà vận hành trạm xăng của Hoa Kỳ CST Brands Inc. với giá khoảng 4 tỷ đô la, và hoàn tất thâm nhập thị trường châu Á vào tháng 11/2020 khi mua Convenience Retail Asia của tập đoàn Hồng Kông với giá gần 360 triệu USD.
 
Cho tới nay Couche-Tard đang vận hành 14.471 cừa hàng trên toàn thế giới, với giá trị vốn hóa thị tường của tập đoàn vào thời điểm tháng 01/2021 đạt 22,5 tỷ euro, gấp đôi giá trị của Carrefour. Thu nhập của tập đoàn này hơn 70% đến từ kinh doanh xăng dầu và thuốc lá. Năm 2019, riêng doanh thu kinh doanh xăng dầu đạt 38 tỷ USD, trong khi doanh thu lĩnh vực thực phẩm chỉ trên dưới 10 tỷ trên tổng doanh thu năm là 59,1 tỷ USD (khoảng 48,5 tỷ EUR).
 
Tập đoàn bán lẻ truyền thống Carrefour đang gặp nhiều khó khăn
 
Là tập đoàn tiên phong của hình thức Đại siêu thị, Carrefour đang đánh mất vị thế trong những năm gần đây trước Leclerc SA và các chuỗi siêu thị giá rẻ của Đức ở Pháp. Bên cạnh đó, việc thâm nhập vào các thị trường nước ngoài như Mỹ Latinh và Trung Quốc đã tạo ra những kết quả trái chiều. Hai năm trước, Carrefour đã phải bán 80% cổ phần tại thị trường Trung Quốc cho công ty bán lẻ địa phương Suning. Tập đoàn Carrefour hiện cũng có khoảng 5,2 tỷ euro nợ tài chính ròng, giảm so với gần 6 tỷ euro vào năm 2019, một phần nhờ vào thương vụ với Trung Quốc.
 
Carrefour “xoay xở” tốt trong giai đoạn đại dịch hiện nay và ghi nhân mức tăng trưởng doanh thu quý 3 năm 2020 cao nhất trong hai thập kỷ qua. Cho tới nay, Carrefour đang vận hành 12.300 cửa hàng trên 30 quốc gia với hơn 320 nghìn nhân viên. Năm 2019, Carrefour có doanh thu đạt 80 tỷ EUR nhưng giá trị vốn hóa trên thị trường trứng khoán của tập đoàn này, vào tháng 01/2021, chỉ đạt 12,6 tỷ eur (15,46 eur/cổ phiếu).
 
Một ngày sau khi chính thức công bố thông tin về đàm phán sáp nhập, giá trị cổ phiếu của Carrefour đã tăng lên 13% và đạt 17,74 eur/cổ phiếu (13/01/2021).
Lợi ích nào cho hai đối tác?
 
Các chuyên gia trong lĩnh vực nhận định không có nhiều điểm tương đồng giữa hai gã không lồ để có thể tạo nên một sự thay đổi đột biến trong lĩnh vực. Couche-Tard và Carrefour vận hành trong các phân khúc thị trường riêng biệt, không có sự tương đồng và vì vậy sẽ không có được hiệu ứng tương hỗ và cộng hưởng. Tuy nhiên, lợi ích cho cả 2 tập đoàn nằm chính ở tính bổ trợ và không “ngáng chân” nhau trong các hoạt động kinh doanh của mình. Một phi vụ sáp nhập giữa hai tập đoàn sẽ tránh được mọi tổn thất về việc làm và không tạo ra độc quyền hay vấn đề về cạnh tranh. Bên cạnh đó, đây có thể là một bước đi chiến lược để đối phó với mối đe dọa từ Amazon và các hệ thống bán hàng trực tuyến khác. Nguồn lực đầu tư vào hậu cần và năng lực công nghệ là khổng lồ, vì vậy, ngoài nỗ lực liên kết trong thu mua hàng hóa, các doanh nghiệp truyền thống rất có nhu cầu tìm đến một hình thức liên minh phù hợp cho mình.
 

Nội dung liên quan