| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

FTA song phương là cơ hội chiến lược thúc đẩy hợp tác kinh tế và quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ

Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ nhấn mạnh, FTA song phương là cơ hội chiến lược thúc đẩy hợp tác kinh tế và quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Động lực thúc đẩy đàm phán FTA song phương Việt Nam - Ấn Độ

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự dịch chuyển mạnh mẽ của các chuỗi cung ứng, việc thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư song phương trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia. Với dân số đông nhất thế giới và thị trường rộng lớn, Ấn Độ không chỉ là đối tác kinh tế quan trọng mà còn là trụ cột chiến lược trong quan hệ khu vực của Việt Nam. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Ấn Độ vào tháng 7-8/2024 và tại cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng hai nước tại Lào vào tháng 10/2024, hai bên đã nhất trí thúc đẩy đàm phán FTA song phương nhằm mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế toàn diện hơn.

FTA song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ không chỉ mang lại cơ hội tăng trưởng thương mại mà còn là công cụ quan trọng giúp hai nước khai thác tối đa tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực như công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, y tế, giáo dục, và du lịch.

Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIGA) đã đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy thương mại song phương, đưa kim ngạch thương mại từ 2,7 tỷ USD năm 2010 lên 15 tỷ USD năm 2022. Tuy nhiên, AITIGA vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cao su, điện thoại, máy tính, dệt may, thủy sản… chưa được giảm thuế hoặc phải chịu lộ trình cắt giảm dài hạn. Hơn nữa, các quy định khắt khe về quy tắc xuất xứ và gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại từ phía Ấn Độ đã tạo không ít khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, tại Hội nghị rà soát, nâng cấp AITIGA lần thứ 6 (tháng 11/2024), Ấn Độ đã đề xuất đàm phán riêng biểu thuế với từng quốc gia ASEAN, thậm chí đặt khả năng rút khỏi các cam kết nếu không đạt được thỏa thuận mong muốn. Những khó khăn này càng làm nổi bật sự cần thiết của việc ký kết một FTA song phương riêng biệt giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Quan điểm của Ấn Độ và đề xuất của Việt Nam

Ấn Độ hiện đang theo đuổi chiến lược “Tự lực tự cường”, với mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu và phát triển mạnh các ngành kinh tế chiến lược như công nghệ thông tin, y tế, và dược phẩm. Trong bối cảnh đàm phán FTA song phương, Ấn Độ có thể đặt ra những yêu cầu cụ thể, bao gồm việc giảm thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như nông sản, dược phẩm và các sản phẩm công nghiệp, đồng thời mở cửa thị trường Việt Nam cho các sản phẩm nông lâm thủy sản và dược phẩm của họ. Ấn Độ cũng mong muốn Việt Nam tạo thuận lợi cho các khoản đầu tư từ Ấn Độ, đặc biệt trong những lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh và đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về xuất xứ hàng hóa để đảm bảo rằng các lợi ích từ ưu đãi thuế được thực thi đúng mục tiêu.

Trước những yêu cầu từ phía Ấn Độ, Việt Nam cần đưa ra các đề xuất hợp lý để đảm bảo lợi ích song phương. Việt Nam có thể yêu cầu Ấn Độ giảm thuế và đơn giản hóa các thủ tục đối với những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, như nông sản, thực phẩm chế biến, dệt may, giày dép, và các sản phẩm công nghiệp.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác về công nghệ cao, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa công nghiệp của cả hai bên. Việt Nam cũng có thể thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng số, giáo dục đào tạo và y tế, đặc biệt là xây dựng bệnh viện và phát triển các chương trình nghiên cứu sản xuất thuốc. Đồng thời, việc mở rộng hợp tác trong dịch vụ hàng không, hàng hải và logistics sẽ giúp nâng cao năng lực chuỗi cung ứng song phương, tạo điều kiện thuận lợi để hai quốc gia cùng đạt được những mục tiêu kinh tế chiến lược.

Ý nghĩa chiến lược của FTA song phương

Việc ký kết FTA song phương không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn mang lại giá trị chiến lược to lớn. Thỏa thuận này sẽ tạo nền tảng cho việc tăng cường vai trò và vị thế của Ấn Độ tại Đông Nam Á, đồng thời khẳng định quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Mục tiêu kim ngạch thương mại 20 tỷ USD trong thời gian tới sẽ trở nên khả thi hơn nhờ vào các cơ chế hợp tác linh hoạt và hiệu quả. Đặc biệt, việc thúc đẩy FTA sẽ góp phần triển khai Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ, đồng thời giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trong bối cảnh nhiều thị trường truyền thống đang gặp khó khăn.

FTA song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ hứa hẹn mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, để đạt được thỏa thuận cân bằng lợi ích, Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng trong các vòng đàm phán, đảm bảo bảo vệ quyền lợi kinh tế dài hạn. Đàm phán không chỉ dừng lại ở các điều khoản thương mại mà cần được tiếp cận dưới góc độ chiến lược nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ, tạo nền tảng vững chắc cho sự hợp tác song phương trong tương lai.

Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ

Nội dung liên quan